Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành kháng nghị đối với vụ án dân sự “Yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế”
Chủ nhật - 28/01/2024 21:30
Triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đột phá năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân và Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình. Ngày 10/01/2024, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 70/QĐ-VKS-DS đối với Bản án sơ thẩm số 86/2023/DS - ST ngày 26/12/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình giải quyết vụ án tranh chấp dân sự “Yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn: bà Lê Thị Th và bị đơn bà Lê Thị Ch.
Nội dung vụ án: Cụ Lê Mạnh T và cụ Thiều Thị Tr sinh được 04 người con gồm: bà Lê Thị A, bà Lê Thị Minh L, bà Lê Thị Ch và bà Lê Thị Th. Quá trình sinh sống cụ T và cụ Tr tạo lập được một ngôi nhà gỗ ba gian trên thửa đất số 68 tờ bản đồ 7, tại thôn H, xã M, huyện T. Năm 1972, cụ T chết không để lại di chúc. Năm 1976 cụ Tr sinh thêm bà Lê Thị N. Năm 2004 cụ Tr chết không để lại di chúc. Sau khi cụ Tr chết bà Ch và con trai bà về ở trong ngôi nhà tại thửa đất số 68. Năm 2006, bà Ch kê khai hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được Uỷ ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH 875375 ngày 03/12/2006 mang tên hộ bà Lê Thị Ch tại thửa đất số 68, tờ bản đồ số 07, diện tích 786,2m2 ở thôn H, xã M, huyện T. Ngày 04/11/2023 bà Lê Thị Th khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên và phân chia di sản thừa kế.
Bản án số 86/2023/DS-ST ngày 26/12/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phân chia di sản thừa kế.
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án nói trên, nhận thấy: về xác định di sản thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định cụ T chết năm 1972, theo quy định của Luật đất đai năm 1987 thì quyền sử dụng đất không phải là di sản thừa kế do đó kể từ thời điểm cụ T chết thì toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của cụ Tr là không chính xác. Bởi lẽ, các đương sự đều thừa nhận tại thời điểm mở thừa kế trên nền đất đó có 01 ngôi nhà gỗ cũ của bố mẹ để lại nhưng do bị bão lũ cuốn trôi nên bị đơn đã tháo dỡ và tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ xác định hiện nay vẫn còn phần nền móng nhà cũ khoảng 55m2 nằm giữa thửa đất. Nên di sản thừa kế tại thời điểm cụ T chết bao gồm cả đất và tài sản gắn liền trên đất. Do đó, toàn bộ thửa đất nói trên là tài sản chung của cụ T và vụ Tr. Quá trình sử dụng không có đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu nên thời hiệu chia di sản của cụ T và cụ Tr vẫn còn theo quy định tại khoản 2 Điều 149, khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự. Do xác định sai di sản thừa kế và thời hiệu nên Toà án đã chia tài sản chung một lần là không đúng. Vì bà N là con riêng của cụ Tr nên khi thực hiện chia di sản thừa kế phải chia thành hai thời điểm khác nhau. Từ đó, Phòng kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính đã báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xin ý kiến và ban hành kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm về phần xác định di sản, thời hiệu và chia di sản thừa kế.
Việc kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Toà án để phát hiện vi phạm, kịp thời ban hành kháng nghị phúc thẩm là yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật.
Nguồn tin: P9 - VKSND QB