01:46 EDT Thứ ba, 08/10/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư - 30/08/2023 22:03

 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”. Muốn các đảng viên hăng hái và gương mẫu thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bởi kiểm tra, giám sát vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam thời gian gần đây cho thấy, ở một số bộ, ban, ngành, địa phương do không thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, dẫn đến tình trạng thực hiện sai chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, vi phạm pháp luật, “lợi ích nhóm”, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ chủ trì các cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình mới, cùng với những tác động đa chiều của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự chống phá quyết liệt, nguy hiểm của các thế lực thù địch thì “… một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang có xu hướng ngày càng bộc lộ rõ, thậm chí công khai và ngày càng nghiêm trọng hơn. Trên cơ sở kết quả phòng, chống tham nhũng vừa qua của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, bài học rút ra chính là để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thì cần phải nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các đảng viên, của các tổ chức cơ sở đảng.
Muốn vậy, cần phải có những biện pháp hữu ích nhằm thay đổi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo sự đột phá trong nhận thức và hành động về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, Đảng viên. Mà việc tiếp tục tăng cường đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nói chung, kiểm tra giám sát của Chi bộ nói riêng chính là một trong những yêu cầu vô cùng cấp thiết của Đảng, và cũng là là một trong những biện pháp tích cực nhất nhằm góp phần tạo sự đột phá trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
  1. Khái niệm, nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát của Đảng
Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định 22), có quy định rõ:
Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước. (Khoản 3 Điều 3 Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021)
Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhàm kịp thời nhắc nhở để cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).
Hình thức giám sát có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề; giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh.
Nội dung kiểm tra, giám sát của Chi bộ: bao gồm “Xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên trong chi bộ thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Tập trung kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của chi bộ, nhiệm vụ do chi bộ phân công và quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; Giải quyết tố cáo và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên trong chi bộ về thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao; về phẩm chất, đạo đức, lối sống; về thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ cấp trên giao)”. (Điều 7 Quy chế 22).
Nội dung này được hướng dẫn rõ tại Điều 4 Hướng dẫn 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung của Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng như sau:
-  Các chi bộ phải thường xuyên tự kiểm tra; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát (xác định cụ thể về nội dung, đối tượng, mốc thời gian, thời gian tiến hành, phương pháp tiến hành, phân công thành viên tổ kiểm tra, giám sát) và tiến hành kiểm tra chấp hành, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề đối với đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn được giao; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Đảng.
-   Chi bộ chủ yếu giám sát thường xuyên đối với đảng viên nơi công tác, sinh hoạt và nơi cư trú; chi bộ có chi ủy, chi bộ có trên 30 đảng viên và đảng viên hoạt động phân tán hoặc có nhiều tổ đảng trực thuộc thì thực hiện giám sát theo chuyên đề.
-  Nếu phát hiện đảng viên là cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ (từ cấp ủy viên cơ sở trở lên) và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao thì chi bộ báo cáo tổ chức đảng cấp trên trực tiếp để xem xét, kiểm tra hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.
  1. Vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ
 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ được năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời". Người chỉ rõ "Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra"; “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.
“Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng”. Vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ khó thành công nếu thiếu hoặc coi nhẹ hoạt động kiểm tra, giám sát.
Chi bộ luôn là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa là nơi góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời là nơi rèn luyện, giáo dục, quản lý, phát triển và sàng lọc đội ngũ đảng viên. Vì vậy, kiểm tra, giám sát của Chi bộ chính là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là công cụ, biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
  1. Thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát hiện nay
Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng năm 2022, nêu rõ, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt “không dừng, không nghỉ”, “không chùng xuống”, góp phần khẳng định trách nhiệm và quyết tâm cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các địa phương tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cấp ủy giao, với khối lượng rất lớn, chất lượng, hiệu quả được nâng lên rõ rệt (Tiểu Phương, 2023).  Trong năm 2022, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng và 16.202 đảng viên bằng các hình thức. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 101 tổ chức đảng và 6.356 đảng viên bằng các hình thức…
Cụ thể: Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 58.069 tổ chức đảng và 324.403 đảng viên (có 74.590 cấp ủy viên), kết luận 371 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 308 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức đảng và 10.475 đảng viên (tăng 17,5% tổ chức đảng và 16,62% đảng viên so với năm 2021), trong đó có 5.184 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, kết luận có 2.333 tổ chức đảng và 8.003 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 333 tổ chức đảng và 3.909 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức đảng, 3.595 đảng viên. Trong đó, quyết định thi hành kỷ luật 44 tổ chức đảng (Khiển trách 14, cảnh cáo 30) và 180 đảng viên (Khiển trách 69, cảnh cáo 79, cách chức 5, khai trừ 27); đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 21 tổ chức đảng và 45 đảng viên, yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật 69 tổ chức đảng và 185 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 32.899 tổ chức đảng (tăng 13,74% tổ chức so với năm 2021); kiểm tra tài chính đảng đối với 2.610 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách, sản xuất kinh doanh và kiểm tra 37.821 tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí (tăng 14,66% so với năm 2021).  Đặc biệt, riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII) (nhandan.vn). Tính đến cuối năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (TTXVN,2023). Kết quả trên cho thấy, nhiều lãnh đạo bị kỷ luật là do đã "lệch chuẩn" – nghĩa là đã thực hiện những quyết định quản lý trái với quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại với lợi ích và mong đợi của nhân dân.
Đảng ta nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do: “Công tác kiểm tra, giám sát trong các cơ quan của Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức và còn yếu, kết quả chưa rõ; chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe…”;  Nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của một số chi ủy, đảng viên chưa đúng mức, chưa được bồi dưỡng, tập huấn, thiếu đầu tư thời gian nghiên cứu văn bản, tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát…
Tại hội nghị tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ đại hội XII, nhận định về nguyên nhân dẫn đến những bất cập thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đẫ chỉ ra tình trạng "chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, quyết liệt; tiến hành kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, chiếu lệ, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe… Công tác kiểm tra, giám sát trong các cơ quan của Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức và còn yếu, kết quả chưa rõ". Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát. Hậu quả việc coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng là đã không kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch lạc, khiến vi phạm từ bé trở thành to, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng.
Trước những bất cập nêu trên, "Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới mô hình và hoạt động kiểm tra, giám sát. 
  1. Giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của Đảng viên, đặc biệt là Đảng viên giữ chức vụ về tính cấp bách và yêu cầu phải có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ.
Muốn vậy, Chi bộ phải chú trọng đi sâu phổ biến nội dung Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, và nhiều quy định, quy trình, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát với nhiều điểm mới. Đặc biệt là Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 3/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…
Chi bộ phải thường xuyên cập nhật, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của của thế giới, khu vực, quốc gia trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là tình hình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, tình hình tham ô, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên để thấy được vai trò và tính cấp thiết của công tác kiểm tra, giám sát. Người đứng đầu tổ chức cơ sở Đảng nên: Lắng nghe các đảng viên trong Chi bộ phê bình và tự phê bình, nhận xét, phát biểu, đề xuất ý kiến trong công tác kiểm tra, giám sát và trong tất cả các công tác khác của Đảng. Khuyến khích Đảng viên “Nói”. Qua đó, đánh giá được mức độ hiểu biết, thực hiện các quy định của Đảng, những khó khăn, hạn chế của đảng viên trong quá trình thực hiện để có kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp nhằm phát triển đảng viên, ngăn chặn hiện tượng suy thoái trong Đảng, đảm bảo nguyên tắc kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Cuối mỗi buổi sinh hoạt, cần yêu cầu đảng viên giữ chức vụ báo cáo bằng văn bản lên Ủy ban kiểm tra và Đảng ủy cấp trên về kết quả kiểm tra, giám sát của Chi bộ.  
Hai là, hiện nay, một bộ phận đảng viên rất thụ động trong suy nghĩ và hành động, nhất là đảng viên trẻ, vì vậy Chi bộ nên đổi mới phương thức kiểm tra giám sát, bằng cách thực hiện kiểm tra, giám sát thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề.
Trong mỗi buổi sinh hoạt định kỳ, chủ trì chỉ nên tập trung trọng tâm vào khoảng 03 nội dung sinh hoạt chính, trọng điểm. Đối với mỗi nội dung sinh hoạt, cần yêu cầu các Đảng viên phải có ý kiến, nhận xét, thể hiện rõ quan điểm của mình đối với từng nội dung và phải đề xuất được một số biện pháp để giải quyết đối với vấn đề được nêu ra. Các ý kiến này phải đề xuất trực tiếp tại buổi sinh hoạt, hoặc bằng văn bản sau khi kết thúc sinh hoạt (đối với những nội dung cần phải nghiên cứu sâu thêm về các quy định của Đảng), văn bản này sẽ được lưu vào hồ sơ sinh hoạt Chi bộ. Tránh tình trạng, chỉ có Chủ trì nói, chỉ đạo, còn các Đảng viên có ý kiến nhất trí thực hiện như ý kiến của Chủ trì. Cụ thể là:
- Cập nhật thông tin có tác động trực tiếp, toàn diện đến chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội Việt Nam, địa phương, đơn vị, Chi bộ. Yêu cầu đảng viên phát biểu suy nghĩ của cá nhân về mức độ, hậu quả ảnh hưởng, tác động của thông tin trên, biện pháp (nếu có)?  
- Phổ biến, quán triệt văn bản chỉ đạo của cấp trên. Đối với những văn bản chỉ đạo có yêu cầu cụ thể, thì phải yêu cầu Đảng viên phát biểu suy nghĩ và đề xuất ý kiến cá nhân ngay tại buổi sinh hoạt. Đối với các văn bản có yêu cầu, chỉ đạo chung thì Chủ trì yêu cầu các Đảng viên có ý kiến để chi tiết hóa.
- Yêu cầu Đảng viên tự đánh giá về kết quả học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là học được gì, ứng dụng trong công việc như thế nào? Hiệu quả, kết quả đã đạt được khi học tập, vận dụng vào công việc? Những việc còn chưa làm được, vì sao chưa làm được. Sẽ làm được trong bao lâu, có đề xuất gì với Chi bộ, với các đảng viên khác để giải quyết được vấn đề tồn đọng?Trong sinh hoạt chuyên đề: cần yêu cầu Đảng viên tự trình bày những suy nghĩ, ý kiến của mình về nội dung chuyên đề. Học được gì qua chuyên đề, vận dụng như thế nào? Cần hỗ trợ gì?  Đặc biệt, yêu cầu Đảng viên báo cáo bằng văn bản tóm lược ngắn gọn (có giới hạn số trang) về những gì đảng viên đã tiếp thu được qua buổi sinh hoạt chuyên đề. Báo cáo cá nhân của đảng viên sẽ được lưu tại hồ sơ sinh hoạt chi bộ.
Báo cáo kết quả tiếp thu và thực hiện của Đảng viên sau mỗi buổi sinh hoạt thể sẽ là một trong những căn cứ để Chi bộ xem xét, đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm.
Với cách thức này, sẽ góp phần giáo dục đảng viên, buộc đảng viên trở nên chủ động, mạnh dạn, linh hoạt trong suy nghĩ để nắm bắt được các thông tin, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, và có kế hoạch hành động học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cụ thể. Đồng thời giúp Chi bộ có thể kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ tình hình đảng viên, nắm rõ được diễn biến tư tưởng, chính trị, nhận thức của đảng viên về chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ đảng viên phải thực hiện, sớm phát hiện và ngăn chặn được tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng cán bộ đảng viên, kịp thời phát hiện được các sai phạm (nếu có) để xử lý triệt để, không để khuyết điểm kéo dài thành vi phạm, vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ có vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng Đảng, phát triển Đảng viên, ngăn chặn, chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Đảng ở tất cả các cấp, đặc biệt là kiểm tra, giám sát của Chi bộ. Vì đây là cấp cơ sở Đảng gần với các đảng viên, quần chúng nhân dân nhất. Trước yêu cầu của Đảng trong tình hình mới hiện nay, việc kiểm tra, giám sát của Chi bộ cần có sự đổi mới về nhận thức và phương thức thực hiện, như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của đảng viên, tổ chức cơ sở đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

Tác giả bài viết: Trương Thị Hồng_Phòng TTr_Khiếu tố

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

VKSND tối cao
Thư điện tử công vụ
Quản lý văn bản
Chuyển đổi số
An toàn ANTT
kiểm sát online
Bảo vệ pháp luật
Bộ pháp điển

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 93

Thành viên online : 1

Khách viếng thăm : 92


Hôm nayHôm nay : 8198

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 48422

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9714532

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến