16:21 EDT Thứ hai, 16/09/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Tiếp tục tăng cường, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hànhđáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân tại địa bàn cấp huyện

Thứ hai - 05/08/2024 03:08
    Đặt vấn đề: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại Viện KSND cấp huyện là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Viện trưởng VKSND cấp huyện; Việc phát huy sáng kiến, kinh nghiệm để đổi mới và tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này đòi hỏi phải phù hợp xu thế hội nhập phát triển,nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.Trong gần 02 thập niên qua, kể từ năm 2005 đến nay, để thực hiện công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta, Đảng ta đã ban hành Nghị Quyết 49/2005/NQ-BCTqua đó hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có những bước phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề xây dựng pháp luật, xây dựng hoàn thiện hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, các chế định chế ước kiểm soát quyền lực đã ban hành, vận dụng có hiệu quả vào thực tế các hoạt động tư pháp; công tác đào tạo, tuyên truyền giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cũng được quan tâm gắn với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp được thực hiện trên cơ sở ban hành các quy chế phối hợp và dầnđược luật hóa nhằm hướng tới đảm bảo cho hệ thống các cơ quan tư pháp hoạt động thống nhất, đồng bộ có hiệu quả.Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49/2005/NQ-BCT về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã chỉ ra và ghi nhận những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới về cải cách tư pháp đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có những đóng góp quan trọng củangành Kiểm sát nhân dân.
    Cơ sở lý luận và thực tiển: Về mặt lý thuyết đã được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn: Quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với VKSND cấp huyện là quá trình tác động của Viện trưởng từ việc xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ,tổ chức thực hiện và việc kiểm tra, xử lý tình huống trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cấp ủy địa phương.Trong đó, đối tượng tác động gồm có các Phó viện trưởng, kiểm sát viên,công chức và người lao động.Cụ thể quá trình tác động của hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành như sau:
    Thứ nhất, xây dựng kế hoạch công tác: Kế hoạch công tác bao gồm kế hoạch năm, kế hoạch tuần, tháng, quý. Việc xây dựng kế hoạch công tác đòi hỏi phải căn cứ vào Chỉ thị về công tác hằng năm của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch công tác của VKSND tỉnh, các Chương trình công tác và Hướng dẫn nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ và Nghị quyết của huyện ủy về công tác tư pháp. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện xây dựng kế hoạch năm và lựa chọn những yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đề ra và quán triệt cụ thể đến cán bộ công chức những giải pháp tối ưu để tổ chức, thực hiện, có ấn định thời gian hoàn thành, phấn đấu theo tuần, tháng, quý, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và yêu cầu của cấp ủy địa phương. Mặt khác, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn này cần chú ý đến việc tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các Phó viện trưởng, kiểm sát viên và cán bộ công chức. Việc sắp xếp, bố trí phân công nhiệm vụ đảm bảo thích ứng theo sở trường và năng lực của mỗi cá nhân, không chỉ trong khả năng chuyên môn mà luôn chú ý đến đặc điểm quan trọng trong đời sống xã hội. Những cán bộ có năng lực nhanh, nhạy, sáng tạo cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển, đề nghị quy hoạch chức danh quản lý, khơi dậy, động viên, khích lệ để họ cố gắng phấn đấu hết sức mình cho đơn vị, cho Ngành và cho Đảng. Vấn đề phân công nhiệm vụ còn căn cứ vào quy mô về tổ chức hoạt động của đơn vị và sự phân bố vùng dân cư trên địa bàn để có quyết định hợp lý. Đối với những đơn vị VKSND cấp huyện quy mô lớn, có thể cơ cấu tổ chức theo đơn vị cấp phòng hoặc bộ phận công tác; các Phó Viện trưởng theo đó có thể phân công đảm nhận điều hành một bộ phận cán bộ kiểm sát viên có kiến thức chuyên sâu thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác; Những đơn vị có quy mô không lớn thì không tổ chức theo mô hình này, theo đó các Phó Viện trưởng được phân công giúp Viện trưởng phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác - Vấn đề này nhằm đảm bảo sự điều hành tập trung, quản lý chặt chẽ về người, về việc, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện công tác điều hành và kiểm tra thường xuyên, ngăn ngừa tiêu cực, tránh đùn đẩy trách nhiệm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác.

 

 
    Thứ hai, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác: Trọng tâm của vấn đề vẫn là việc thực hiện chức năng Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong giai đoạn này phải nắm bắt và thực hiện điều hành theo đúng quy định của Luật tổ chức VKSND và các quy chế về nghiệp vụ của ngành kiểm sát, đảm bảo đúng trách nhiệm, quyền hạn,thẩm quyền tố tụng được quy định trong các bộ luật có liên quan. Ngoài ra, việc thực hiện kế hoạch công tác còn phải luôn chú trọng đến công tác xây dựng ngành – đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm sát và đã được xác định rõ điểm đến trong quá trình cải cách tư pháp mà ngành kiểm sát đang quyết tâm thực hiện (đó là việc tăng cường sự lãnh đạo của các Cấp ủy đảng đối với hoạt động của Viện kiểm sát; Công tác đào tạo, xây dựng lực lượng cán bộ, kiểm sát viên; Công tác nâng cao trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, đảm bảo sự phù hợp, bắt kịp sự đổi mới phát triển của thời đại, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động chuyện môn và quản lý, chỉ đạo điều hành được chú trọng và xác định là nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong giai đoạn hiện nay).
    Điểm chú ý trong thực hiện chức năngthực hành quyền công tốcủa Viện kiểm sát là phải được tăng cường thường xuyên, liên tục, gắn trách nhiệm công tố với hoạt động điều tra. Theo đó, hoạt động kiểm sát điều tra được tiến hành ngay từ lúc khám nghiệm hiện trường để thực thi chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, gắn quyền công tố, thái độ trách nhiệm của kiểm sát viên đối với quá trình điều tra giải quyết án của cơ quan điều tra. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn này đòi hỏi phải sâu sát, nắm rõ các quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ ngành và quy chế quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra để có chỉ đạo giải quyết vụ việc phù hợp, trôi chảy và hiệu quả.
    Đối với hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.Đây là các hoạt động với tính chất công việc mà pháp luật quy định phải có thời hạn, thời hiệu.Vì vậy công tác quản lý, chỉ đạo điều hành phải cụ thể, quan tâm thường xuyên; lãnh đạo đơn vị phải nắm chắc các quy phạm có liên quan và tiến độ giải quyết các vụ việc để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời từ việc kiểm sát quản lý thời hạn thụ lý, thời hạn giải quyết, thời hạn kháng nghị, kiến nghị, thời hiệu khởi kiện đối với các vụ, việc.., từ đó đảm bảo không để oan, sai, không làm trái, làm trễ, quá hạn dẫn đến vi phạm tố tụng, hoặc ban hành các quyết định nghiệp vụ trái pháp luật; qua đó, kịp thời phát hiện những trường hợp thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ để xem xét xử lý theo quy định.
   Thứ ba, nâng cao kỹ năng kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ và xử lý tình huống trong thực hiện chức năng nhiệm vụ:
   Công tác kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ là hoạt động thường xuyên. Kết quả kiểm tra là cơ sở để đưa ra những đánh giá về hiệu quả thực tế các hoạt động, từ đó rút ra những kết luận, định hướng điều chỉnh phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót để hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ với chất lượng hiệu quả cao.
Kiểm tra tiến độ thực hiện công việc là trách nhiệm của Viện trưởng. Các Phó viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải thường xuyên tự kiểm tra rà soát các chỉ tiêu đạt thấp, phát hiện được những vấn đề còn vướng mắc, có mâu thuẫn hay còn nhiều ý kiến, quan điểm chưa thống nhất thì phải báo cáo kịp thời cho Viện trưởng để quyết định điều chỉnh, xử lý tình huống đúng, phù hợp và đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Vấn đề xử lý tình huốngđã và đang xảy ra trong thực tế công tác kiểm sát luôntiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Khi có tình huống xảy ra, lãnh đạo Viện và kiểm sát viên phải thận trọng, xem xét toàn diện, lựa chọn đưa ra phương án giải quyết phù hợp, đúng thời hạn, đúng quy định pháp luật. Có rất nhiều tình huống đã gặp rất phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn, đó có thể là vấn đề quan điểm chưa thống nhất để xác định có tội hay không có tội; vụ việc đã xảy ra có đủ căn cứ phê chuẩn hay chưa đủ căn cứ khởi tố bị can, cần phê chuẩn bắt bị can, khám xét chỗ ở hay không; hoặc là các vấn đề cần xem xét để quyết định hủy hay yêu cầu điều tra thêm; có cần thiết ban hành kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm hay không; nội dung vụ việc nghiên cứu đề xuất xử lý vụ án đã có đủ căn cứ khách quan, toàn diện để bảo vệ cáo trạng, bảo vệ kiến nghị, kháng nghị hay không… Viện trưởng VKSND cấp huyện cùng với Kiểm sát viên phải cân nhắc, lý giải, quyết định, không cho phép sai lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và niềm tin của nhân dân đối với ngành Kiểm sát.
    Thứ tư, khai thác và sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
    Công nghệ thông tin mở ra nhiều lợi thế trong thực thi nhiệm vụ.Toàn thể đơn vị phải biếtsử dụng thành thạo máy vi tính trên cổng thông tin điện tử nội bộ của Ngành; biết khai thác, cập nhật, lưu giữ văn bản, tích lũy thông tin trên máy vi tính khoa học có hệ thống, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và tiết kiệm chi phí. thực hiện nghiêm túc chủ trương chuyển đổi số, mà trước mắt là công tác số hóa hồ sơ và báo cáo án bằng phương pháp sơ đồ tư duy. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành Kiểm sát năm 2024 và nhiều năm tiếp theo. Công tác quản lý chỉ đạo điều hành phải bám sát tinh thần này để tổ chức thực hiện, có biện pháp phù hợp để quản lý, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả thông qua môi trường mạng. Trong thời gian trước mắt VKSND cấp huyện cần thiết phải thành lập được Ban tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp công tác tự đào tạo phổ cập hóa các kiến thức cơ bản về CNTT để kịp thời nắm bắt thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và trong hoạt động chuyên môn.
    Đối với công tác quản lý tài chính, tài sản công, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc chấp hành dự toán thu, chi đúng, đủ, hiệu quả, ưu tiên cho hoạt động nghiệp vụ; Nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công; Tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý, tiết kiệm chi, tránh lãng phí, gắn kết quả hoạt động với lợi ích cụ thể của từng cá nhân, tạo thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và người lao động, qua đó để khuyến khích, động viên được toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên và người lao động yên tâm công tác, phát huy sáng kiến, tăng hiệu quả hoạt động cho đơn vị.
    Thứ năm, công tác đào tạo tại chỗ và hướng dẫn kỹ năng tại phiên tòa:
Công tác đào tạo tại chổ phải xây dựng được kế hoạch đào tạo, xác định chỉ tiêu thực hiện và phân công kiểm sát viên kèm cặp kiểm tra viên, chuyên viên. Tất cả cán bộ, kiểm sát viên phải có nhiệm vụ thông qua hoạt động kiểm sát để tích lũy đầy đủ các chuyên đề, hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm từ nhiều nguồn,nhiều lĩnh vực và tích lũy những thiếu sót, hạn chế của cơ quan tư pháp cùng cấp và của đơn vị mình để đề xuất báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát có chỉ đạo tổng hợp rút kinh nghiệm một cách có hệ thống; đồng thời, xem đó là tư liệu để thực hiện công tác đào tạo tại chỗ, hướng dẫn và rèn luyện các kỹ năng cho cán bộ, kiểm sát viên. Một số kỹ năng cần được quan tâm, đó là: (1) Kỹ năng nghiên cứu, phản biện,  (2) Kỹ năng đọc Cáo trạng và trình bày luận tội, phát biểu tại phiên tòa. Đây là những kỷ năng để rèn cách lập luận, chứng minh, đối đáp, để hình thành tư duy phản biện, phương pháp chứng minh khách quan, toàn diện, đầy đủ thuyết phục. Và đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để vận dụng phòng tránh oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Việc trình bày luận tội và phát biểu tại phiên tòa, được thể hiện qua kỹ năng nhìn đọc hoặc nhìn và diễn đạt bằng lời nói, phân tích, nhận xét đánh giá, luận giải phản biện một cách rõ ràng và đầy đủ cho hội đồng xét xử, bị cáo, những người tham dự phiên tòa và công chúng đang theo dõi qua màn hình trực tuyến hay phát lại qua các kênh truyền hình...và cũng là giai đoạn mở đầu cho việc tranh luận giữa Kiểm sát viên với bị cáo; Kiểm sát viên với người bào chữa, với bị hại, với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người tham gia tố tụng khác về toàn bộ nội dung vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố ra trước Tòa án bằng Bản Cáo trạng đã được công bố công khai tại phiên tòa sau khi kết thúc phần xét hỏi. Vì vậy phải rèn luyện cho cán bộ, kiểm sát viên vừa có kỹ năng đọc và kỹ năng trình bày; Nếu chỉ chú tâm trong việc đọc luận tội và đọc bài phát biểu tại các phiên tòa mà không luyện được cách nói và trình bày thì sẽ bị hạn chế trong đối đáp, phản biện, xử lý các tình huống.
    Thứ sáu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, các mối quan hệ phối hợp; chú trọng và quan tâm đời sống tinh thần của đồng nghiệp:
    Viện trưởng cùng với các phó Viện trưởng, các kiểm sát viên và cán bộ luôn chú trọng rèn luyện trong giao tiếp, trong văn hóa ứng xử, bao gồm cả lời nói, lời phát biểu, trả lời chất vấn tại các kỳ họp, những cử chỉ hành động trong công sở hay tại các phiên tòa, trong chiến thuật hỏi cung, trong thẩm vấn khi thực hành quyền công tố.Vì vậy, các VKSND cấp huyện phải thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về ứng xử trong thực thi công vụ, quy chế văn hóa công sở và quy chế về thực hiện dân chủ.
    Trong quan hệ đối ngoại, lãnh đạo Viện, cán bộ công chức luôn duy trì tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp, các phòng nghiệp vụ cấp trên và chính quyền địa phương, tham mưu tốt cho Thường trực Huyện ủy trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. 
Việc quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ công chức, người lao động cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và công đoàn đơn vị. Đây là điều cần đặc biệt quan tâm, không chỉ phạm vi nội bộ đơn vị mà cần lưu ý cả ngoài xã hội và nơi cán bộ đảng viên cư trú; qua đó, kịp thời chung tay giúp đỡ những trường hợp khó khăn, thấu hiểu tâm lý, diễn biến tư tưởng của cán bộ, công chức và người lao động, những tâm tư khúc mắc, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, chính trị, mất đoàn kết nội bộ hoặc cán bộ có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp phải kịp thời nắm bắt để có tác động giáo dục, kịp thời động viên, chia sẻ, khơi dậy niềm tin, duy trì bền vững truyền thống đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan đơn vị.
 
    Lời kết: Về mặt tổng kết đánh giá thực tiễn đối với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong ngành Kiểm sát nhân dân đã được VKSND các cấp tổng hợp đánh giá hằng năm, làm cơ sở cho việc hoạch định, định hướng công tác kiểm sát trong từng năm, từng thời kỳ, khẳng định vai trò vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước. Một vấn đề quan trọng đặt ra đối với VKSND cấp huyện, đó là phải thực sự quan tâm rà soát lại đồng thời có biện pháp phù hợp tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành và công tác kiểm tra để các thành quả đã đạt được trong công cuộc cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát tiếp tục duy trì, phát huy và có tác động mạnh mẽ đối với công cuộc đổi mới của đất nước.Trong phạm vi là địa bàn của một VKSND cấp huyện tôi xin kiến nghị, tiếp tục đề xuất, đưa ra một sốvấn đề, xem đó là những nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm thực hiện trước mắt và những năm tiếp theo, sau đây:
     Một là, thường xuyên quan tâmrà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống các quy chế, bao gồm: quy chế về tổ chức hoạt động của cơ quan VKSND huyện; quy chế  thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý tài sản công; quy chế quản lý xe ô tô chuyên dùng… và quy chế quan hệ phối hợp công vụ với các cơ quan hữu quan trên địa bàn huyện. Căn cứ để rà soát sửa đổi, bổ sung đó là hệ thống các bộ luật, luật được ban hành từ năm 2014 đến nay, bao gồm Luật tổ chức VKSND năm 2014, các luật, bộ luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, các quy chế nghiệp vụ trong từng lĩnh vực kiểm sát; Các quy định về thực hiện kỷ cương trật tự nội vụ; về ứng xử và văn hóa công vụ, văn hóa công sở và các quy định về quản lý tài sản công, phân cấp quản lý tài chính trong ngành Kiểm sát nhân dân do VKSTC ban hành;
    Hai là, thông qua công tác kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập để đề xuất Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có biện pháp khắc phục các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, xung đột trong nhận thức về pháp luật và về quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, xem đây là trách nhiệm của các cấp kiểm sát trong việc tham gia xây dựng pháp luật, hướng dẫn pháp luật. Tại VKSND cấp huyện, các Phó viện trưởngđược phân công giúp Viện trưởng theo dõi từng lĩnh vực công tác, có trách nhiệm tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ này đảm bảo tính thường xuyên liên tục. Tuy nhiên, ngành kiểm sát và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải quan tâm nghiên cứu để phối hợp ban hànhquy trình tiếp nhận, xử lý và có biện pháp giải quyết kịp thời những kiến nghị đề xuất về những vướng mắc, bất cập đã xảy ra trong thực tiển công tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
    Ba là, thực hiện tốt công tác tự đào tạo, bồi dưỡngtại đơn vị. Thông qua hoạt động thực tiễn phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp cán bộ mới, cán bộ còn ít kinh nghiệm thực tiễn và phân công công việc để thử thách đào tạo cho cán bộ có năng lực. Kế hoạch công tác của đơn vị phải đưa ra được chỉ tiêu cần đạt được trong công tác tự đào tạo, bồi dưỡng, có kiểm tra nhận xét cụ thể kết quả đã thực hiện qua hồ sơ từng vụ việc đượcphân công.
    Bốn là, thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giáo dục cán bộ, công chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiêu cực, tham nhũng. Lãnh đạo đơn vị thường xuyên quán triệt Nghị quyết của BCS đảng VKSND tỉnh và của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện, đối tượng thực hiện, định kỳ kiểm tra, kịp thời phát hiện, có biện pháp răn đe, kiểm điểm đối tượng có biểu hiện vi phạm và báo cáo VKSND tỉnh và Ban Thường vụ huyện ủy kết quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị; Cấp có thẩm quyền cần quy định rõ những đối tượng mà hành vi vi phạm của họ có liên quan đến người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm, để có cơ sở xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra.
    Năm là, tăng cường hơn nữa việc thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân cả trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành và ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ kiểm sát. Để làm tốt vấn đề này đòi hỏi phải đảm bảo các nguồn lực về nhân lực, vật lực, các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu và xu hướng phát triển chuyển đổi số của ngành và của quốc gia; đặt ra các chi tiêu thi đua phấn đấu thiết thực đồng bộ từ cấp trên đến cấp dưới, gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo trong ngành Kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, với chức năng là hướng dẫn cấp dưới trong công tác xét xử cần xây dựng và tổ chức các phiên tòa mẫu áp dụng chuyển đổi số, trình chiếu chứng cứ thông qua số hóa hồ sơ; Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới thông qua đó tiếp thu và tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần việc áp dụng công tác chuyển đổi số trong công tác xét xử.
    Sáu là, đối với công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự luôn phải được quan tâm thường xuyên và tăng cường đi vào thực chất. Đây là lĩnh vực mà trong thực tiễn đã nổi lên những vấn đề tranh chấp nóng, nhạy cảm, nhiều vụ việc phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Vấn đề quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vẫn còn bị xâm phạm trong quá trình giải quyết tranh chấp vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp dân sự trong giai đoạn hiện nay khi mà pháp luật về dân sự của chúng ta chưa thật đồng bộ thì đòi hỏi phải có sự theo dõi chỉ đạo chặt chẽ của các Cấp ủy đảng, định hướng chỉ đạo, đặt ra các quy định quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và các cơ quan phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết thấu đáo trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
    Bảy là, trong tình hình hiện nay, với chủ trương xây dựng lực lượng công an tinh nhuệ, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc tăng cường bố trí lực lượng công an xã chuyên trách có điều tra viên để nắm bắt điều tra các vụ việc hình sự xảy ra trên địa bàn các xã, thì đòi hỏi ngành Kiểm sát mà cụ thể là VKSND cấp huyện phải chủ động bố trí, phân công cán bộ, kiểm sát viên phụ trách theo Cụm địa bàn dân cư để kịp thời nắm bắt, theo dõi tình hình tội phạm vàphối hợp với Cơ quan điều tra Công an cấp huyện thực hiện công tác kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm ở địa bàn các xã, thị trấn.

 

 
    Tám là, làm tốt công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở, mà trọng tâm là về công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản công và công tác kiểm tra. Phải nghiêm túc tuân thủ quy định việc thực hiên dân chủ trong công tác quy hoạch cán bộ, điều động luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cán bộ có năng lực phục vụ công tác xây dựng ngành,đảm bảo sự thông suốt, trôi chảy theo xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp.
    Chín là, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chungvà công tác kiểm sát phải đảm bảo sự tập trung thống nhất. Viện trưởng VKSND cấp huyện cần được cơ cấu để bầu vào Ban chấp hành đảng bộ huyện nhằm tạo điều kiện để Viện trưởng VKSND chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình, chủ trương và sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tư pháp mà trọng tâm là công tác của Viện kiểm sát, của Cơ quan điều tra, Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó Viện trưởng VKSND tham mưu cấp ủy đảng theo dõi, nắm bắt tình hình, chỉ đạo sát đúng, giải quyết tốt những vấn đề nóng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
    Trên đây là quan điểm của cá nhân, tôi cho đó là kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, cần thiết trang bị cho Viện trưởng VKSND cấp huyện trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến của cá nhân, chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề cần góp ý, bổ sung để tăng cường hơn nữa công tác này trong thời gian tới. Xin trân trọng cám ơn./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Phượng – VKSND huyện Lệ Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

VKSND tối cao
Thư điện tử công vụ
Quản lý văn bản
Chuyển đổi số
An toàn ANTT
kiểm sát online
Bảo vệ pháp luật
Bộ pháp điển

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 15


Hôm nayHôm nay : 3542

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 87611

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9569920

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến