Viện KSND tỉnh Quảng Bình làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát, đánh giá thực tiễn xử lý vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 18/7/2015 Đoàn kiểm tra khảo sát liên ngành gồm đại diện Bộ tư Pháp do đồng chí Phạm Quý Tỵ - Thứ Trưởng Bộ tư pháp làm Trưởng đoàn, tham gia đoàn khảo sát có các thành viên là đại diện của Bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ NN &PT Nông thôn.

Đoàn kiểm tra khảo sát liên ngành làm việc với VKSND tỉnh Quảng Bình
 
Đoàn đã có buổi làm việc trực tiếp tại VKSND tỉnh Quảng Bình với nội dung khảo sát, đánh giá thực tiễn xử lý vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã. Thay mặt lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Bình đồng chí Nguyễn Tiến Hùng - Phó Viện trưởng đã báo cáo với đoàn khảo sát thực tiễn xữ lý vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã và việc xử lý các vụ án về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo Điều 190 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua.

Trong thời gian từ 01/6/2013 đến 30/5/2016 các cơ quan tư pháp 2 cấp tỉnh Quảng Bình đã thụ lý: 10 vụ 15 bị can về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ", theo quy định tại Điều 190 BLHS. Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện Công ước Quốc tế về chống buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt Công ước CITES) mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Thực tiễn cho thấy tình hình tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm ở nước ta ngày càng gia tăng, kéo theo đó là nạn săn, bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm với những thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp làm suy giảm sự đa dạng sinh học; Nhà nước ta đã kịp thời ban hành một số văn bản pháp lý có liên quan đến việc xử lý vi phạm và tội phạm nói trên, đó là: Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đấu tranh xử lý hành vi vi phạm và tội phạm, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân đối với việc bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập khi áp dụng những quy định trên của các cơ quan thực thi công vụ, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng Hình sự trong việc áp dụng pháp luật trong xử lý hình sự đối với tội phạm có liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm. Tại buổi làm việc VKSND tỉnh Quảng Bình đã phân tích, đánh giá và đề xuất đến Đoàn khảo sát liên ngành tư pháp trung ương một số vấn đề sau:
- Đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 19 ngày 08/3/2007 của Bộ nông nghiệp- Bộ tư pháp- Bộ Công an- Viện kiểm sát nhân dân Tối cao-Tòa án nhân dân Tối cao về việc xử lý đối với tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ", theo quy định tại Điều 190 BLHS 1999.
- Sửa đổi Điều 41 BLHS về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Điều 76 BLTTHS về xử lý vật chứng của vụ án hình sự, để khi áp dụng trong việc xử lý tội phạm quy định tại Điều 190 BLHS cho phù hợp với Công ước CITES hoặc tang vật phải xử lý do vi phạm hành chính theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP; Thông tư 90/2008/TT-BNN theo hướng bỏ quy định tịch thu sung quỹ nhà nước, kể cả việc bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật.  
- Cần sửa đổi, bổ sung các Điều 7, 12 Nghị định 26/2005/NĐ-CP và mục 1, mục 2 phần II Thông tư 55/2006/TT-BTC, theo hướng cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, khi các cơ quan thực thi pháp luật trưng cầu định giá tài sản trong các vụ án hình sự, nhất là đối tượng cần định giá có liên quan đến những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

- Cần có quy định cho phép Cơ quan chuyên môn ngoài việc được giám định  được loài, cá thể, trọng lượng thì còn định giá được giá trị đối với các loài động vật hoang dã, quý hiếm để tuyên buộc người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Cần trang bị thiết bị bảo quản vật chứng là những đối tượng động, thực vật tươi sống tại kho vật chứng của Cơ quan điều tra và Thi hành án dân sự để bảo quản đối với vật chứng là những cá thể động vật hoang dã, quý hiếm đã bị đối tượng giết mổ.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra cho cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm, nhất là các vụ xâm phạm lĩnh vực bảo vệ thực vật, động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ tư pháp Phạm Quý Tỵ đánh giá cao về công tác đấu tranh, xữ lý vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã của các Cơ quan Tư pháp tỉnh Quảng Bình đặc biệt là Cơ quan Viện kiểm sát. Đoàn khảo sát tiếp nhận những ý kiến đóng góp về những khó khăn, tồn tại và vướng mắcđể trong thời gian tới sẽ tiến hành tập hợp, biên soạn bộ tài liệu tập huấn và kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổi sung những bất cập vướng mắc trong việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã./.

Tác giả bài viết: Phạm Hữu Võ_P3 VKSQB