Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát trong các vụ án hình sự: Cần những giải pháp mang tính đột phá

Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát trong các vụ án hình sự: Cần những giải pháp mang tính đột phá
(QBĐT) - Năm 2017, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tạo được những kết quả có tính đột phá và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là trong quá trình giải quyết án hình sự vẫn còn có nhiều vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung và tiến độ giải quyết chậm. Thực tế đó đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính chất đột phá mới hữu hiệu hơn.
Điểm mới có tính đột phá trong hoạt động của ngành Kiểm sát trong năm 2017 thể hiện rõ nét nhất qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đó là đã tập trung kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.

Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết vượt 7,4% theo chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội giao. Tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung thấp, chỉ chiếm 1,8% so với tổng số vụ án ngành đã thụ lý giải quyết. Không có án Viện kiểm sát đình chỉ vì không cấu thành tội phạm, Tòa án tuyên không phạm tội và để xảy ra có trường hợp oan sai.

Bên cạnh đó, công tác kháng nghị được quan tâm và đạt được chất lượng cao hơn khi mà tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu trên 15% cả lĩnh vực hình sự và dân sự. Đối với công tác kiểm sát hoạt động tư pháp cũng đã được ngành tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn.

Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, hạn chế những vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư  pháp; phát hiện nhiều vi phạm, sơ hở trong hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời có nhiều kiến nghị khắc phục, phòng ngừa kịp thời, sát đúng thực tiễn. Từ những kết quả nói trên, tổng kết công tác kiểm sát năm 2017, Viện KSND tỉnh Quảng Bình đã được Viện KSND Tối cao tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn ngành Kiểm sát.


Các vụ án phức tạp luôn được các cơ quan tư pháp quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình điều tra, xét xử.

Về vấn đề này, Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận là đúng. Ông Sanh lý giải, việc còn có án bị phía Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, về mặt chủ quan mà nói là do kiểm sát viên thụ lý kiểm sát điều tra vụ án còn chủ quan, không kịp thời đôn đốc, theo dõi việc thực hiện yêu cầu điều tra đã ban hành đối với vụ án; điều tra viên, kiểm sát viên còn có những hạn chế nhất định trong việc đánh giá chứng cứ, tài liệu cần thu thập.Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết án hình sự vẫn còn có nhiều vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung và tiến độ giải quyết chậm. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII vào đầu tháng 12-2017.

Nhiều vụ án, quá trình điều tra Viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra điều tra làm rõ, nhưng không đủ cơ sở kết luận hoặc có những vụ án chỉ thiếu sót đơn giản có thể tự bổ sung tại tòa hoặc không cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng Tòa vẫn trả.

Về khách quan mà nói, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, kịp thời liên quan đến các tội phạm về kinh tế, ma túy... dẫn đến việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tố tụng chưa thống nhất. Ngoài ra, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, mức độ, thủ đoạn phạm tội, che giấu tội phạm ngày càng tinh vi gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm.

Đối với các vụ án kinh tế, trật tự xã hội, án được dư luận xã hội quan tâm giải quyết còn chậm có nguyên nhân khách quan, đó là: Các vụ án này thường liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn khác nhau, nhiều hồ sơ, tài liệu là nguồn chứng cứ cần phải có thời gian để điều tra, xác minh.

Ví dụ như, vụ trốn thuế tại Doanh nghiệp Hiếu Trung, bị can Lê Quốc Văn cùng đồng phạm mua 401 và bán 689 hóa đơn giá trị gia tăng để trốn thuế gần 21 tỷ đồng với 126 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tĩnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh ta.

Vụ án này Cơ quan điều tra phải điều tra, xác minh tất cả các doanh nghiệp có liên quan. Hồ sơ vụ án này có gần 40.000 trang tài liệu. Hay như vụ án Bùi Văn Thái đánh bạc có hơn 3.000 trang tài liệu. Vì vậy, nếu một điều tra viên hay kiểm sát viên không theo sát từ đầu thì riêng việc đọc hồ sơ trong một tháng sẽ chưa xong, đó là chưa nói đến việc phải nghiên cứu, tổng hợp, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định hành vi vi phạm, dự thảo ban hành các văn bản tố tụng.

Các vụ án kinh tế tham nhũng, chức vụ là án truy xét, hành vi thực hiện phạm tội đến thời điểm phát hiện phạm tội thường lâu. Đối tượng phạm tội là người có kiến thức, chức vụ... do đó, thủ đoạn để che giấu tội phạm cũng hết sức tinh vi gây khó khăn cho quá trình điều tra. Ngoài ra, việc kéo dài án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu và  kết quả của cơ quan được ủy thác điều tra... thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định chuyên môn như thuế, kiểm lâm, thông tin truyền thông...

Riêng đối với các vụ án trật tự xã hội, vụ án phức tạp đa phần là những vụ án có nhiều đối tượng tham gia theo kiểu băng nhóm có sự bàn bạc từ trước cả về cách thức thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm. Các đối tượng này thường ít khi khai báo hành vi của đồng phạm nên việc phân hóa trách nhiệm cá nhân để truy cứu trước pháp luật hết sức phức tạp.

Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Nhiều vụ án đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội nên dễ che giấu, tẩy xóa chứng cứ điện tử, gây khó khăn cho quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra.

Về nguyên nhân chủ quan, các hành vi vi phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra trên nhiều lĩnh vực như tài chính, thuế, đất đai, công nghệ thông tin...vốn là những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, do đó đòi hỏi điều tra viên, kiểm sát viên phải đầu tư thời gian rất nhiều để nghiên cứu quy định của pháp luật và chuyên môn của lĩnh vực đó.

Vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình điều tra. Quan điểm xuyên suốt và thống nhất trong việc giải quyết các vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng đó là kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm.

Tuy nhiên, việc đánh giá chứng cứ, áp dụng những quy định của pháp luật có vụ còn nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thực tế đó cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Điển hình như vụ án tham ô xảy ra tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch).  Bên cạnh đó, điều tra viên và kiểm sát viên nhiều lúc chưa thật sự quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ điều tra. Trong khi lãnh đạo các cơ quan tố tụng có lúc chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.

Để xử lý những tồn tại nói trên, ông Nguyễn Xuân Sanh cho biết: Trong thời gian tới, Viện KSND tỉnh tiếp tục triển khai và quán triệt đầy đủ nội dung tinh thần của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung, Bộ luật Tố tụng Hình sự; các nghị quyết số 109/2015, 110/2015, 144/2016 và 41/2017 của Quốc hội; Thông tư liên tịch số 01/2010 và các văn bản pháp luật có liên quan cho toàn thể cán bộ kiểm sát viên trong toàn ngành.

Xác định rõ đây là một trong những giải pháp quan trọng để cập nhật và nâng cao kiến thức cho cán bộ kiểm sát viên nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát, hạn chế đến mức thấp nhất án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự. Lựa chọn những cán bộ, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực để đảm nhiệm khâu công tác này. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cán bộ, kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án cho đến suốt quá trình tố tụng.

Nguồn tin: baoquangbinh.vn