Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ 01/01/2021

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ 01/01/2021
Sáng 10.7, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan đến các Luật được công bố và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi Họp báo

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua 10 Luật và bộ luật. Căn cứ Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chủ tịch nước đã ký 10 Lệnh về việc công bố Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luât Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phòng giám định hình sự thuộc VKSND tối cao

Tại buổi họp báo, các cơ quan chủ trì các Luật tương ứng giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới của các Luật và bộ Luật. Đáng chú ý, trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của hoạt động tố tụng, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 13, 14 và đặc biệt tại Phiên họp thứ 15 ngày 21/01/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có một số nội dung mới như mở rộng phạm vi của giám định tư pháp. Theo đó, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành. Đáng chú ý, để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã bổ sung quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc VKSND tối cao” (khoản 5 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới, có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành. Đại diện Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: để đảm bảo phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp, TAND tối cao và VKSND tối cao đã được bổ sung trách nhiệm lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống Tòa án, Viện Kiểm sát. Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các hoạt động cụ thể. Trong đó có việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người giám định tư pháp, người tiến hành tố tụng và cán bộ làm công tác quản lý về giám định tư pháp ở các bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu Quốc hội chỉ được có một quốc tịch Việt Nam

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội cơ bản giữ các quy định về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội như Luật tổ chức Quốc hội hiện hành. Về tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội, để đảm bảo tính chất chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật mới đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1a Điều 22).

Thực hiện chủ trương của Đảng về tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội đã tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số Đại biểu Quốc hội (khoản 2 Điều 23).

Luật mới cũng xác định rõ vấn đề chấm dứt việc thực hiện thí điểm 3 văn phòng hợp nhất theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14. Theo đó, đến ngày 01/7/2021 sẽ phải hoàn thành công tác tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc phục vụ chung cho Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh.

Nguồn tin: kiemsat.vn