Hãy chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực

Hãy chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực

 
Trong khi một số nơi trên thế giới đang hứng chịu những đợt hạn hán khốc liệt kéo dài thì một số nơi khác lại chìm ngập trong lũ lụt triền miên. Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, lũ lụt gây ngập úng toàn bộ đất đai sinh hoạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của nhiều nước. Hậu quả là sản lượng và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, một lượng lớn dân số trên trái đất đang và sẽ chịu cảnh đói khát. Trong những tháng đầu của năm 2020 khi cả Thế giới và đất nước ta đang phải gồng mình ngăn chặn và khắc phục hậu quả của đại dịch CoVid19 chưa xong thì đồng bào Miền trung nước ta lại phải gánh chịu rất nhiều hậu quả do thiên tai dịch hoạ ở các trận bão số 5, 6, 7 và không xa sẽ là bão số 8 với hậu quả khôn lường ắt sẽ xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Các trận lũ lụt đang diễn ra liên tiếp đã trực tiếp làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế của toàn dân.
 
Xét về nguồn gốc của vấn đề, trong những năm gần đây cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của toàn thế giới, trái đất nóng lên là hậu quả do quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan. Những khí này khi được thải vào bầu khí quyển sẽ "nhốt” hơi nóng của ánh mặt trời bên trong bầu khí quyển, vì vậy làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên, những thay đổi lớn làm ảnh hưởng đến môi trường sống, bầu khí quyển và khí hậu nói chung. Cụ thể là: Các hệ sinh thái bị phá hủy; Mất đa dạng sinh học; Dịch bệnh; Hạn hán; Bão lụt; Những đợt nắng nóng gay gắt; Các núi băng và sông băng đang teo nhỏ; Mực nước biển đang dâng lên Những biến đổi khí hậu này chính là tác nhân làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên trái đất và tác động trực tiếp đời sống hàng ngày của con người.

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết đề cập rõ tầm quan trọng và những nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Hệ thống chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy Nhà nước liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng có nhiều quy định như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto1. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và toàn dân về vấn đề này đã có bước chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa. Tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng giá trị; chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, tình trạng chặt phá rừng bữa bãi, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên với hình thức tận thu đã làm ảnh hưởng không lớn đến chiến lược phát triển và hiệu quả bền vững. Ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến, một số nơi rất nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Trong khi tác giả viết bài này, ở các tỉnh Miền trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình...... Đồng bào và nhân dân cả nước chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lỡ đất ở Công trình thủy điện Rào Trăng 3, xảy ra ngày 13/10/2020 tại huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế làm hàng chục người thiệt mạng và mất tích trong đó 13 cán bộ, chiến sĩ bộ đội Quân khu 4 đã anh dũng hy sinh, tiếng mưa vẫn rả rích không ngớt như gào thét cõi lòng người. Tiếp đó, vụ sạt lở xảy ra ở khu vực doanh trại của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 đóng trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày 17/10/2020 với hàng chục người bị đất đá vùi lấp và mất tích, trong đó có 22 cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn 337, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng. Chỉ 01 ngày sau do mưa to kéo dài kèm theo gió lớn đã gây sạt lỡ núi làm vùi lấp trạm bảo vệ Rừng Thác voi (Lâm Trường Trường Sơn) thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trạm bảo vệ rừng bị san phẳng rất may không có ai bị thương vong.

Đến nay, mưa lũ đã khiến hàng trăm người bị chết và mất tích, hàng trăm ngàn hộ dân bị ngập, lũ cuốn trôi, tốc mái, nhà bị sập…Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc bị tê liệt.  Ước tính con số thiệt hại về các lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lỡ. Cơ quan, trường học, cơ sở y tế toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở bị ngập sâu khiến hàng ngàn phòng bị hư hỏng nghiêm trọng. Sự việc này đang là vấn đề cấp bách, các cấp ủy Đảng, Nhà nước và Chính quyền địa phương đang khẩn trương trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong những năm tới, dự báo những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương. Tình hình khai thác tài nguyên, nhất là khai thác trái phép, xuất khẩu thô, tình trạng đốt phá rừng... nếu không được ngăn chặn, sẽ còn diễn biến phức tạp. Vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề “nóng”, hàng loạt những vấn đề về ô nhiễm môi trường khó có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Đây là những khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần xây dựng và phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo tôi, Đại hội sẽ diễn ra trong bối cảnh xu hướng của thế giới đã và đang có những thay đổi lớn trong nhìn nhận đối với tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.
Chính trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đã khẳng định: Phát triển hài hoà giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân loại đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong do tác động của nạn ô nhiễm môi trường dẫn đến “sự biến đổi khí hậu và những thiên tai gần đây như động đất, sóng thần, núi lửa, đe dọa của thiên nhiên, thiên tai và dịch bệnh gây nguy hại cho đời sống con người.
Mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu đang chuyển đổi từ nền “Kinh tế nâu” sang  nền “Kinh tế xanh” hướng tới phát triển bền vững, trong đó “Tăng trưởng xanh” là chiến lược hành động được triển khai.

Hãy chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực: Không được đốt phá rừng, khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, gây huỷ hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Không thải dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn độc hại và gây dịch bệnh vào nguồn nước; không chôn vùi, thải vào đất các chất độc hại quá giới hạn cho phép; các quốc gia cam kết không sử dụng và sản xuất vũ khí hóa học, không gây chiến tranh...

Vì vậy, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tổ chức quán triệt và vận dụng một cách có hiệu quả, giảm thiểu đến mức tối đa những tác hại do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây nên, tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, vì một tương lai bền vững, vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ mai sau./.

Tác giả bài viết: Cao Phạm Tuân - P2