Thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự

Thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và  kiểm sát điều tra các vụ án hình sự

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
                 TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
        TỈNH QUẢNG BÌNH

       Số: 322/VKSQB-P3

 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


 
   
        Quảng Bình, ngày  18  tháng  5  năm 2020


 
                                                          THÔNG BÁO RÚT KINH NGHIỆM
                                Trong công tác thực hành quyền công tố và

                                       kiểm sát điều tra các vụ án hình sự


Qua công tác kiểm sát Cáo trạng các vụ án hình sự về xâm phạm sở hữu, kinh tế, tham nhũng và chức vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự án kinh tế, tham nhũng và chức vụ (Phòng 3) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình tổng hợp một số vi phạm xét thấy cần thông báo để các đơn vị nghiên cứu rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:    
 I. CÁC DẠNG VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA:
1.  Về áp dụng pháp luật
+ Cáo trạng số 19 ngày 15/4/2020 của VKSND huyện Bố Trạch truy tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tóm tắt nội dung: Năm 2014, Cơ quan điều tra Công an huyện Bố Trạch đã khởi tố vụ án và bị can, sau đó bị can bỏ trốn, đã ra lệnh truy nã. Đến năm 2020 bắt được bị can và phục hồi điều tra. Khi truy tố, VKSND huyện Bố Trạch đã áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội để áp dụng BLHS năm 2015 là chưa chính xác.
Tội phạm đã được phát hiện và đã khởi tố trước khi BLHS mới có hiệu lực pháp luật, hình phạt của tội này giữa BLHS 1999 và BLHS 2015 là bằng nhau vì thế phải áp dụng BLHS năm 1999 mới đúng quy định của pháp luật.
+ Cáo trạng số 17 ngày 23/3/2020 của VKSND huyện Bố Trạch truy tố bị can về tội “Trộm cắp tài sản”.
Nội dung: Ngày 20/11/2019, Nguyễn Văn Song và Nguyễn Quốc Vương rủ nhau đi trộm các tấm sắt dùng để ghép khuôn đổ trụ bê tông của anh Nguyễn Văn Dũng tại huyện Bố Trạch. Đến 18h00 cùng ngày cả hai trộm 12 tấm sắt, trị giá 1.800.000đ đem đi bán; đến 23h00 cùng ngày cả hai lại tiếp tục trộm 16 tấm sắt, trị giá 4.800.000đ đem đi bán; sau đó cả hai tiếp tục quay lại lấy tiếp 09 tấm sắt, trị giá 2.680.000đ. VKSND huyện Bố Trạch đã truy tố và không áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là không đúng.
Trường hợp này, mặc dù có phạm tội liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian nhưng mỗi lần đã cấu thành tội phạm (có 02 lần) vì thế phải áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên mới đúng quy định của pháp luật.
2. Về trích, viện dẫn điều luật xử lý
Theo quy định và mẫu hiện hành thì khi truy tố bị can phải ghi rõ tội danh, điều, khoản, điểm. Tuy nhiên vẫn có đơn vị chưa ghi quy định điểm nào của tội danh khi truy tố, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ chưa rõ ràng. Khi trích điều luật truy tố nhiều khi dài dòng (viện dẫn toàn bộ các điểm trong điều luật), chưa chính xác (các tội ghép) có huyện truy tố một tội nhưng khi trích Điều luật tội khác...
Ví dụ:
+ Cáo trạng số 28 ngày 27/4/2020 của VKSND huyện Bố Trạch truy tố bị can về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng khi viện dẫn trích cả hai tội “Điều 232: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là chưa chính xác. Chỉ viện dẫn trích tội “Điều 232: Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là đầy đủ.
+ Cáo trạng số 16 ngày 22/4/2020 của VKSND TP.Đồng Hới truy tố bị can về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng khi trích dẫn điều luật thì trích dẫn toàn bộ các điểm trong khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự. Vì bị can đã làm thiệt hại tài sản trên 2.000.000đ, nên chỉ cần trích phần cấu thành cơ bản là đủ, không cần thiết phải trích thêm các điểm đối với hành vi thiệt hại dưới 2.000.000đ.
+ Cáo trạng số 09 ngày 20/01/2020 của VKSND huyện Bố Trạch truy tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự, tuy nhiên khi viện dẫn trích luật lại trích “Điều 173. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” là không đúng quy định.
+ Các Cáo trạng số 17 ngày 23/3/2020, số 18 ngày 27/4/2020, số 27 ngày 22/4/2020 của VKSND huyện Bố Trạch trong phần kết luận của cáo trạng chỉ nêu điểm quy định của luật về các tình tiết tăng nặng, giạm nhẹ nhưng không ghi rõ là tình tiết gì.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM:
Trong quá trình dự thảo Cáo trạng, Kiểm sát viên chưa áp dụng đúng và đầy đủ quy định của pháp luật và mẫu cáo trạng đã ban hành nên đã không xác định đầy đủ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Việc trích, dẫn điều luật để truy tố còn lan man, dài dòng, không chính xác; Khi truy tố tội danh bị can không ghi rõ theo điều, khoản, điểm dẫn đến việc truy tố bị can không đầy đủ, chính xác, khách quan, toàn diện.
Ngoài ra, nhiều cáo trạng không nêu nhân thân của bị can, mặc dù theo mẫu cáo trạng không quy định nhưng tại Điều 243 BLTTHS quy định: “…Bản cáo trạng ghi rõ ... đặc điểm nhân thân của bị can…”, ngoài ra khi quyết định hình phạt căn cứ vào nhân thân của người phạm tội nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện khi truy tố đối với các bị can có nhân thân xấu phải đưa vào phần nhân thân. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng THQCT và KSĐT sơ thẩm án hình sự trong thời gian tới, yêu cầu các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã ban hành Cáo trạng có vi phạm, thiếu sót nêu trên nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục vi phạm.
Vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình (Phòng 3) thông báo đến các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhằm tránh mắc phải những vi phạm tương tự nêu trên trong quá trình kiểm sát điều tra, ban hành cáo trạng truy tố./.


Nơi nhận
- VKSNDTC (Vụ 3);
- VT VKS QB;
- PVT PT;
- 8 huyện, thành phố, thị xã;
- VPTH VKS tỉnh;
- Lưu P3.


 
   TL. VIỆN TRƯỞNG
    TRƯỞNG PHÒNG
              
             (Đã ký)
  


       Phạm Hữu Võ

 

Nguồn tin: P3-VKSND QB