Nâng cao kỹ năng nghiên cứu Hồ sơ vụ án hình sự

Trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh - thương mại... người tiến hành tố tụng cần có nhiều kỹ năng, trong đó có một kỹ năng quan trọng là kỹ năng nghiên cứu hồ sơ.
Tất cả chứng cứ, tài liệu thể hiện bản chất sự việc (vụ việc) dùng để chứng minh một vấn đề nào đó đều phải có trong hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ, việc nghiên cứu hồ sơ không toàn diện, khách quan thì có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn. Chính vì vậy, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ là một kỹ năng cần thiết đối với những người tiến hành tố tụng.
Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Đến nay có nhiều đề tài nghiên cứu về vấn đề này nhưng chủ yếu chỉ đi vào những cái chung nhất, những vấn đề có tính lý luận nhưng chưa có tính thực tiễn và không phù hợp với điều kiện từng địa phương công tác. Trong bài viết này, tác giả sẽ khái quát qua một số khái niệm, nêu lên thực trạng và một số biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự của Kiểm sát viên; Đồng thời tập trung đi sâu vào các kỹ năng để áp dụng trong thực tiễn.
Bài viết này góp phần vào lý luận cũng như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ nói chung và hồ sơ hình sự nói riêng, là tài liệu có thể tham khảo trong việc giải quyết các vụ án (hình sự, dân sự...) cho cán bộ, Kiểm sát viên hoặc những ai cần quan tâm về lĩnh vực này. Các giải pháp được nêu có cơ sở khoa học và thực tiễn đã được triển khai trên thực tế.
Trong phạm vi bài viết này không thể tránh khỏi những thiếu sót, tác giả rất mong muốn sự trao đổi, góp ý của các bạn, đồng nghiệp.
PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở pháp lý và một số khái niệm
Như chúng ta đã biết, khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì thuật ngữ “hồ sơ vụ án” ai cũng đã từng nghe qua, cũng đã từng thấy một “hồ sơ vụ án” trên thực tế. Tuy nhiên, tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chưa có quy định cụ thể về “hồ sơ vụ án” mặc dù rất nhiều điều luật có nhắc đến cụm từ này.
Đến Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, vấn đề này đã được quy định rõ ràng tại Điều 131.
“Điều 131. Hồ sơ vụ án
1. Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.
2. Hồ sơ vụ án gồm:
a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
b) Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;
c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.
3. Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử phải đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.”
Qua nghiên cứu điều luật trên thấy rằng, tuy BLTTHS có nhắc đến hồ sơ vụ án nhưng chưa có khái niệm cụ thể mà chỉ có nêu lên những văn bản nào có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên qua Điều 131 BLHS năm 2015 ta có thể khái quát khái niệm hồ sơ vụ án hình sự như sau:
Hồ sơ vụ án hình sự là toàn bộ văn bản của cơ quan có thẩm quyền ban hành, các biên bản tố tụng và các tài liệu, chứng cứ khác liên quan đến vụ án được Cơ quan điều tra lập nhằm giải quyết đúng đắn vụ án hình sự và để lưu trữ.
Như vậy, hồ sơ vụ án hình sự không phải do ai cũng lập được mà theo quy định được lập bởi Cơ quan điều tra bắt đầu từ giai đoạn khởi tố, điều tra. Những văn bản, tài liệu, chứng cứ do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập được phải được bổ sung vào hồ sơ vụ án tùy vào từng giai đoạn và phải có bảng kê chi tiết.
Cũng xuất phát từ hoạt động của những người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án ta cũng có khái niệm về nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự như sau:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là hoạt động của người tiến hành tố tụng, người bào chữa sử dụng nhiều phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh, tổng hợp nhằm đánh giá các tài liệu, chứng cứ để xác định sự thật khách quan vụ án.
2. Thực trạng nghiên cứu hồ sơ vụ án
Trong thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố, tùy từng giai đoạn tố tụng thì những người tiến hành tố tụng tiếp cận hồ sơ để nghiên cứu theo nhiều phương pháp khác nhau, có nhiều đánh giá khác nhau. Về cơ bản thì những người tiến hành tố tụng đều nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự có hiệu quả, chất lượng góp phần vào việc điều tra, truy tố đúng người, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, đôi lúc vẫn còn xảy ra tình trạng nghiên cứu hồ sơ không đầy đủ, phiến diện, không khách quan. Nhiều trường hợp không phân tích, đánh giá sự liên quan giữa các tài liệu. Có lúc nghiên cứu lựa chọn phương pháp không phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Thậm chí một số vụ án do không nghiên cứu hồ sơ kỹ nên không phát hiện được vi phạm tố tụng.
Hạn chế thường mắc phải trong lúc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đó là:
Thứ nhất, nghiên cứu không khách quan. Như chúng ta biết quan hệ xã hội rất phức tạp, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay có nhiều tác động đến Kiểm sát viên khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự như: quan hệ trên xuống (lãnh đạo - Kiểm sát viên, cấp trên - cấp dưới); quan hệ đồng nghiệp, quan hệ xóm làng... những kiểu tác động này ảnh hưởng đến phần nào đó đến tính khách quan khi nghiên cứu hồ sơ dẫn đến thiên hướng bênh vực một phía (bị can hoặc bị hại).
Thứ hai, nghiên cứu không đầy đủ (phiến diện). Đây là hạn chế thường gặp phải trong những hồ sơ vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều chứng cứ, Kiểm sát viên có thể do nhiều nguyên nhân (khách quan, chủ quan) nên không nghiên cứu hết các chứng cứ. Ví dụ như chỉ chú trọng đến chứng cứ lời khai nhưng không chú trọng đến những cứ vật chất hoặc ngược lại. Chú trọng vật chứng nhưng không chú trọng hiện trường, đặc biệt những vụ án hiện trường có ý nghĩa rất nhiều đối với việc định tội, gỡ tội như: tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS)...
Thứ ba, bị “định hướng” trong nghiên cứu hồ sơ. Hạn chế này thường mắc phải trong một số vụ án, tức là người nghiên cứu bị chi phối về nội dung ban đầu. Ví dụ như: Khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, người nghiên cứu hồ sơ không nghiên cứu nội dung trước mà nghiên cứu kết luận điều tra trước nên khi nghiên cứu hồ sơ sẽ bị chi phối (những người mới công tác trong Ngành thường mắc hạn chế này). Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp nhiều khi người nghiên cứu hồ sơ nghe báo cáo của người khác dẫn đến bị ảnh hưởng (nghe Điều tra viên nói về tình tiết trước khi phê chuẩn, qua các cuộc họp liên ngành...).
3. Một số giải pháp nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự
Từ những thực trạng trên, thấy rằng mỗi người cần phải có một số kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự nói riêng hay các hồ sơ khác nói chung. Từng người có thể chọn cho mình hay tùy theo sở trường có thể có nhiều cách nghiên cứu hồ sơ khác nhau như nghiên cứu từng phần theo phân công (đối với hồ sơ có hai Kiểm sát viên) sau đó tổng hợp hoặc nghiên cứu thứ tự theo thời gian từng tài liệu cũng có thể nghiên cứu thứ tự tùy theo vụ án như nghiên cứu lời khai bị can trước sau đó đến các lời khai khác hoặc ngược lại..., tóm lại có rất nhiều cách thức nghiên cứu hồ sơ nhưng chung quy lại chúng ta cũng phải nghiên cứu tất cả các tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án từ thủ tục tố tụng cho đến các tài liệu khác liên quan nhằm hạn chế thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm của người tiến hành tố tụng và không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Một số kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:
- Kỹ năng nghiên cứu thủ tục tố tụng: Người nghiên cứu hồ sơ phải nắm vững các bước (trình tự) tố tụng, các cơ quan ban hành, thời hạn ban hành, thẩm quyền ký ban hành (phê chuẩn) để xem xét tính đúng đắn của quyết định, lệnh... Trong trường hợp phát hiện vi phạm phải báo cáo lãnh đạo xem xét xử lý để đảm bảo đúng pháp luật. Tránh trường hợp khi đã công khai hồ sơ dẫn đến không xử lý kịp làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
- Kỹ năng nghiên cứu sơ đồ hiện trường, biên bản hiện trường: Hiện trường là nơi xảy ra sự việc có dấu hiệu tội phạm vì thế nó chứa đựng nhiều nội dung quan trọng làm cơ sở giải quyết vụ án, nó thể hiện khách quan nhất những chứng cứ hiện có khi xảy ra sự việc. Người nghiên cứu hồ sơ phải thật chú ý đến hiện trường và phải đối chiếu với biên bản hiện trường xem có sai sót không? Hiện trường có thể hiện trung thực và có phù hợp với lời khai (bị can, bị hại, người làm chứng) không? Đối với những vụ án như tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội Giết người... hiện trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội vì thế cần phải nghiên cứu thật kỹ càng.
- Kỹ năng nghiên cứu các biên bản thu giữ, tống đạt quyết định...: Những biên bản này mặc dù trong việc chứng minh sự thật của vụ án nó không ảnh hưởng nhiều nhưng nó có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền con người, nó thể hiện sự ưu việt của tố tụng Việt Nam. Người nghiên cứu hồ sơ phải xem xét các biên bản đó có trước hay sau khi có quyết định cần tống đạt, thu giữ, có hay không có việc ký khống các biên bản. Có những biên bản thu giữ tang vật nếu làm không tốt có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến không chứng minh được tội phạm vì không khách quan, không thể khắc phục được.
- Kỹ năng nghiên cứu lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (BLTTHS 2015), bị can, bị cáo: Lời khai của những người này chứa đựng các yếu tố cấu thành tội phạm thể hiện hành vi, ý chí, mong muốn hậu quả xảy ra, cố ý hay vô ý... rất có ý nghĩ trong việc giải quyết vụ án hình sự vì thế người nghiên cứu hồ sơ phải nghiên cứu hết sức cẩn thận, tỷ mỉ từng chi tiết để có đánh giá tính chất hành vi. Tránh trường hợp nghiên cứu phiến diện để có những nhận định chính xác, đồng thời đánh giá tính phù hợp với những lời khai và chứng cứ khác như: lời khai bị hại, lời khai người làm chứng, vật chứng thu giữ được...
- Kỹ năng nghiên cứu lời khai của bị hại: Lời khai của bị hại chứa đựng nhiều tình tiết chứng minh như trị giá tài sản (vụ án xâm phạm sở hữu), vị trí bị đâm, đanh, đá... (những vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe...) là cơ sở chứng minh hậu quả đã xảy ra do hành vi phạm tội xâm hại. Người nghiên cứu hồ sơ phải nghiên cứu chú ý đến những tình tiết này, những yêu cầu của bị hại để làm cơ sở giải quyết vụ án.
- Kỹ năng nghiên cứu lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Khi nghiên cứu lời khai này cần phải chú ý đến những yêu cầu của người liên quan và những nghĩa vụ của họ đối với vụ án để đối chiếu, so sánh với những chứng cứ khác. Đặc biệt là chú ý những trường hợp người không bị khởi tố do chưa đủ tuổi.
- Kỹ năng nghiên cứu biên bản đối chất: Việc đối chất được thực hiện khi có lời khai giữa bị can này với bị can khác, giữa bị can với bị hại... nhằm xác định sự thật. Thông thường trong vụ án hình sự đối chất là biện pháp cuối cùng khi đã thực hiện hết các biện pháp khác mà không có kết quả. Khi nghiên cứu phải chú ý đến cách đặt vấn đề của người hỏi và trả lời của người được hỏi (tất cả các bên).
- Kỹ năng nghiên cứu kết luận giám định, định giá tài sản: Khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu về giá, thiệt hại hoặc hậu quả khác đến cơ quan chức năng thì các cơ quan đó ra kết luận giám định, định giá tài sản nhằm đánh giá mức độ thiệt hại. Khi nghiên cứu những tài liệu này cần phải chú ý đến trị giá của từng loại, có phù hợp với giá trị thị trường hay không, có khách quan hay không để yêu cầu trung cầu giám định bổ sung hay trưng cầu lại.
Ngoài những kỹ năng trên thì người nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự còn phải chú ý đến một số kỹ năng khác như nghiên cứu bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án... tùy theo từng giai đoạn.
KẾT LUẬN
Như vậy, để nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự thì người nghiên cứu (ở đây cụ thể là Kiểm sát viên) phải nắm vững được những quy định của pháp luật về hồ sơ vụ án hình sự, sử dụng thành thạo những kỹ năng cần thiết khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, đồng thời phải hiểu rõ những thao tác, những trình tự, những thủ tục của từng tài liệu để kiểm sát có hiệu quả.
Qua bài viết này, nêu lên một số kỹ năng cơ bản nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự nhằm góp phần vào việc giải quyết đúng đắn vụ án, hạn chế thấp nhất những thiếu sót gặp phải khi Kiểm sát viên hoặc người nghiên cứu hồ sơ được phân công. Hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Qua thực tiễn công tác thấy rằng, vấn đề nâng cao chất lượng kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự chưa được quan tâm. Do đó, tôi kiến nghị cấp có thẩm quyền một số giải pháp sau:
Thứ nhất,ban hành quy chế lập hồ sơ khi BLTTHS 2015 có hiệu lực.
Thứ hai, ban hành hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác nghiên cứu hồ sơ nói chung và hồ sơ hình sự nói riêng.
Thứ ba, tập huấn hướng dẫn về nghiệp vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự.
Thứ tư, nhân rộng điễn hình những hồ sơ được nghiên cứu, xây dựng tốt để cán bộ, Kiểm sát viên học hỏi.                               

Tác giả bài viết: Đoàn Công Minh_VKSND H.Quảng Ninh