Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và di cư trái phép ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và di cư trái phép ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Hội thảo bàn giải pháp tăng cường các biện pháp bảo vệ, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người.
 
Tình hình chung
Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đưa người di cư trái phép chủ yếu bằng đường biển từ Châu Phi, Trung Đông, Châu Á sang Châu Âu và thời gian gần đây, từ các quốc gia Trung Mỹ chủ yếu bằng đường bộ, qua Mê-hi-cô vào Mỹ. Ở khu vực Châu Á, phát hiện hàng trăm nghìn người Băng-la-dét và Mi-an-ma là nạn nhân của các đường dây mua bán người và di cư trái phép sang một số nước Đông Nam Á. Tội phạm mua bán người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em đã trở thành một vấn đề nóng bỏng, mối quan tâm và là hiểm họa đối với loài người, tác động trực tiếp đến các mặt an ninh, kinh tế, đối ngoại của mỗi quốc gia, được Liên hợp quốc dưa vào Chương trình phòng, chống mua bán người toàn cầu.
Đối với Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, giai đoạn 2016 - 2019, toàn quốc phát hiện xảy ra trên 1.100 vụ, với hơn 1.500 đôi tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. So với giai đoạn trước, giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp hoặc lao động cưỡng bức.
Theo thống kê của tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, đến nay tội phạm mua bán nguời vẫn tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp tội phạm lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Lợi nhuận toàn cầu cho mua bán người lên tới khoảng 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm và những lợi nhuận này cao nhất ở Châu Á. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 25 triệu người bị mắc kẹt trong cảnh bị cưỡng bức lao động, nhiều người trong số họ đã bị buôn bán để khai thác.
Để ngăn chặn và đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Quyết định số 2546 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Trọng tâm là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 05 đề án, coi đây là bước đột phá và là nội dung quan trọng xuyên suốt của toàn hộ Chương trình, giao cho 06 Bộ, ngành, gồm: Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh Xã hội,Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chù trì. Thực hiện chương trình công tác của ban chỉ đạo 138/CP năm 2019 và Quyết định số 358/QĐ- TTg ngày 02/4/2019 của Thủ tướng chính phủ ban hành kê hoạch thực hiện bản ghi nhớ giữa Việt nam và Vương Quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người. Đặc biệt đưa ra các đề án để thực hiện như: “Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người" và Đề án: “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về", trong đó, có công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người và là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác này.
Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị định số 62 quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Liên bộ Công an - Quốc phòng - Lao dộng - Ngoại giao ban hành thông tư số 01 hướng dẫn trình tự, thủ tục quan hệ phối hợp trong xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán. Nhờ vậy, các lực lượng chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 4.000 trường hợp, trong đó, xác định 1.907 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào nhu cầu và nguyện vọng của nạn nhân, trên 50% số nạn nhân bị mua bán sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn trong học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh và trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho nạn nhân vay vốn với lãi suất thấp, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Thực trạng và công tác phòng, chống tội phạm mua bán nguời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Quảng Bình là địa bàn có tuyến quốc lộ 1A dài 122,2km, quốc lộ 12 dài 125km, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A và tỉnh lộ 20,16 chạy từ Đông sang Tây, bờ biển dài 116,04km, Cảng Hòn la, cảng Hàng không Đồng Hới và tuyến biên giới giáp với nước bạn Lào dài 216km qua 09 xã thuộc 05 huyện, gồm 12 dân tộc khác nhau, tiếp giáp với 02 tỉnh (Khăm muộn và Savannakhet), có cửa khẩu quốc tế Cha Lo và một số cửa khẩu phụ với nước CHDCND Lào, địa bàn rừng núi hẻo lánh, nhân dân giáp ranh biên giới phần đa là dân tộc thiểu số, điều kiện sống khó khăn, trình độ dân trí thấp.
Tình hình tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người qua biên giới nói riêng  trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp, nhất là với tình trạng hiện nay lao động xuất khẩu sang các nước trong khu vực (Lào, Thái Lan, Malaysia...) đang có xu hướng gia tăng. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mặc dù chưa xảy ra vụ án mua bán người nào, tuy nhiên tình trạng nhân dân di cư tự do bằng thủ tục thăm thân, du lịch, du học sang nước ngoài như Vương quốc Anh- Bắc Ai Len, Đức, làm ăn sinh sống vẫn còn xảy ra. Địa bàn có số lượng người xuất khẩu lao động nhiều nhất là huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới và một số địa phương trong tỉnh, đây là điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, lừa gạt bán vào các ổ chứa, động mại dâm hoặc vào những nơi làm việc khắc nghiệt và bị bóc lột sức lao động hoặc tiếp tục bán sang các nước khác. Kéo theo hệ lụy các tội phạm hình sự phát sinh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán dâm, buôn bán vận chuyển hàng cấm vv …
Hàng năm Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Bình đều có Kế hoạch triển khai chương trình 130/CP phòng, chống mua bán người triển khai toàn tỉnh.
Lực lượng Công an với vai trò chủ công, nòng cốt là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Bình đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan (Sở LĐ, TB và XH, Hội PN, Biên phòng) tổ chức điều tra cơ bản về tình hỉnh tội phạm mua bán người, đặc biệt tại khu vực biên giới, làm tốt công tác quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng có tiền án về tội mua bán người, môi giới đưa người đi XKLĐ, tổ chức rà soát số công dân vắng mặt tại địa phương nghi bị bán ra nước ngoài để lập kế hoạch xác minh, báo cáo cấp trên, phối hợp giải cứu về Việt Nam.
- Các lực lượng chức năng cấp tỉnh và huyện không ngừng tăng cường quản lý nhà nước về TTXH, làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý đối tượng, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán karaoke...); các cơ sở chuyên môi giới XKLĐ, quản lý địa bàn, đổi tượng chuyên môi giới, dẫn dắt, đưa người trái phép qua biên giới.
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã xây dựng mô hình Phòng chống tội phạm mua bán người tại xã Trọng Hóa - huyện Minh Hóa (địa bàn giáp ranh nước bạn Lào). Các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây làm giấy tờ đưa người ra nước ngoài làm “nô lệ thời hiện đại”, lao động bóc lột tại các nhà xưởng trang trại ở nước ngoài. Qua đó giúp nhân dân nâng cao cảnh giác, tự có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người đồng thời phát động phong trào quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
- Tham gia các ký kết các chuyên đề về phòng chống tội phạm với tỉnh Kham muộn và Savannakhet - Lào. Qúa trình đó có sự trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa hai nước về các vấn đề liên quan đến ANTT trong đó có nội dung: hợp tác tốt về phòng chống tội phạm mua bán người; về di dân tự do; kết hôn không giá thú giữa công dân hai nước Việt Nam - Lào.
- Các cơ quan tư pháp thường xuyên tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giữa Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan tới mua bán người và di dân bất hợp pháp. Mặc dù các vụ án về mua bán người trên địa bàn không xảy ra nhưng tình trạng di cư bất hợp pháp vẫn diễn ra và diễn biến phức tạp. Điển hình là vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm vào ngày 27/11/2019 đối với 3 bị cáo: Trần Ngọc Ch, Nguyễn Trung K và Phạm Thế N đều trú tại TP Đồng Hới (Quảng Bình). Nội dung: Vào khoảng tháng 6/2018, Ch và K bàn bạc tìm cách vượt biên sang Australia để làm ăn và dự tính sẽ lôi kéo thêm nhiều người khác đi cùng. Hai người này tìm gặp Phạm Thế N, là chủ tàu cá QB 91269TS và thỏa thuận mua tàu này với giá 1,7 tỷ đồng. Vì Ch và K không có tiền đưa cho N nên giao dịch chỉ thỏa thuận bằng miệng, rồi N cũng đồng ý cùng vượt biên sang Australia. Một thời gian sau, nhóm 3 người này lôi kéo được 14 người khác cùng tham gia vượt biên sang Australia bằng đường biển với chi phí theo yêu cầu của K và Ch là từ 100 – 150 triệu đồng/người. Ngày 29/7/2018, cả 17 người trên xuất phát tại biển Đà Nẵng bằng chính tàu cá của N. Đến sáng 26/8/2018, khi 17 người trên tàu đến cách bờ biển Australia khoảng 100m, K và Ch tổ chức chia thành 2 tốp chèo vào bờ. Để tránh bị giới chức trách sở tại phát hiện, Ch và K đã đánh đắm tàu phi tang. Khi cả đoàn đi bộ vào sâu trong nội địa thì bị cảnh sát Australia phát hiện, bắt giữ và sau đó trục xuất về Việt Nam. Xét tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt bị cáo: Trần Ngọc Ch 7 năm tù giam; Nguyễn Trung K 5 năm tù và Phạm Thế N 4 năm 6 tháng tù.
Cũng thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả thế giới bang hoàng khi Cảnh sát Vương quốc Anh phối hợp cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện 39 thi thể có Quốc tịch Việt Nam trong xe Con-ten- nơ tại Khu công nghiệp phía Đông Bắc thủ đô Luân Đôn đang trên đường di cư trái phép vào Vương quốc Anh. Thật đau xót và thương tâm, trong số 39 nạn nhân có 03 nạn nhân người quê tại Quảng Bình. Bằng con đường ngoại giao, hiện nay các thi thể nạn nhân đã được các cơ quan quan chứng năng và gia đình đưa về quê an táng theo phong tục địa phương.  Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định vượt biên trái phép, di cư  bất hợp pháp sang vùng đất hứa tiềm ẩn đầy nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, tại Vương quốc Anh có khoảng 100 nghìn người Việt Nam sinh sống và làm việc. Tuy nhiên theo ước tính của Cơ quan chức năng Anh, số nạn nhân là người Việt Nam đứng thứ hai trong số nạn nhân bị mua bán sang Vương quốc Anh, đa phần ở các tỉnh phía bắc và miền trung trong đó có Quảng Bình.
* Những nguyên nhân điều kiện và những khó khăn vướng mắc khi phòng chống tội phạm mua bán người
- Một số địa bàn tỉnh Quảng Bình dân trí có trình độ còn thấp, nhiều phụ nữ trẻ em có hoàn cảnh éo le, kinh tế gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm hoặc việc làm không ổn định, một bộ phận thiếu nữ ở tuổi vị thành niên mới lớn lười lao động thích ăn chơi đua đòi.
- Những khó khăn về mặt kinh tế làm cho nhiều người đến tuổi lao động không có việc làm, nhu cầu tìm kiếm việc làm đòi hỏi bức xúc; vì vậy nhiều phụ nữ đã bị lừa băng thủ đoạn tìm giúp, môi giới việc làm sau đó bị ép buộc làm gái mại dâm và đem bán...
- Một số học sinh, những em gái vị thành niên dễ dãi trong việc làm quen, kết bạn, lại thiếu sự quan tâm quản lý của gia đình nên bị tội phạm lôi kéo kết bạn, yêu đương hoặc lợi dụng mạng Internet với tên giả, địa chỉ giả để rủ rê lừa gạt bán cho các ổ mại dâm ở bên kia biên giới.
- Do sự hiểu biết về pháp luật, về phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em còn hạn chế đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin internet như hiện nay.
- Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên còn có một số nguyên nhân chủ quan như: Công tác quản lý nhà nước về ANTT trên các địa bàn và đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em còn nhiều sơ hở thiếu sót, hoạt động tổ chức thu thập, phát hiện và xử lý các thông tin về tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em có lúc, có khâu chưa chặt chẽ, chưa thực sự khoa học, chấp hành báo cáo chưa nghiêm, ý thức trách nhiệm của cán bộ phụ trách phường, xã về việc nắm hộ, nắm người còn nhiều sơ hở. Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng chưa thường xuyên có nơi còn chia cắt, chế độ thông tin và quan hệ phối hợp trong công tác nắm tình hình, phát hiện các đầu mối, hiện tượng nghi vấn có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, duy trì thực hiện chưa thống nhất cao. Các khu vực biên giới, nhất là trên tuyến đường bộ còn sơ hở, thiếu sót, lực lượng mỏng không kiểm soát được các đường tiểu ngạch, lối mòn ở khu vực biên giới nên bọn tội phạm lợi dụng đưa người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em qua biên giới bán, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép...
- Quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa được như mong muốn, đặc biệt là hoạt động trao đổi thông tin truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân, xác minh lai lịch, nhân thân đối tượng....Việc giải cứu các nạn nhân ở nước ngoài còn hạn chế, thiếu sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao nên nhiều nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài vẫn chưa được giải cứu kịp thời, việc củng cố chứng cứ để bắt giữ xử lý đổi tượng ở trong nước không thực hiện được vì không có lời khai của nạn nhân.
- Một số văn bản quy định của pháp luật chưa thống nhất, rõ rang trong việc nhận diện, phân loại hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến mua bán người. Các cơ quan chức năng đang lung túng trong quy trình tiếp nhận, chuyển tuyến, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản liên quan chưa quy định những người là nạn nhân mua bán người thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí và coi đây là điều kiện bắt buộc Cơ quan, tổ chức phải phải cử trợ giúp viên trợ giúp pháp lý để hỗ trợ họ trong quá trình giải quyết vụ việc.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người, trong thời gian tới cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
- Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống mua bán người; lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng bảo vệ trẻ em; các biện pháp phòng ngừa và cách ứng xử khi có hành vi mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; kỹ năng nhận diện tội phạm để người dân giúp nhau phòng ngừa và cảnh giác; trọng tâm là các khu công cộng có nhiều trẻ em, học sinh, sinh viên vui chơi, các trường học... Đặc biệt phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Đoàn thanh niên các cấp các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền nội dung phòng, chống mua bán người, mua bán trẻ em trong các trường học. Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu... về mua bán người, mua bán trẻ em cho đối tượng tham gia là học sinh, thanh thiếu niên.
- Hai là, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTT, vận động các gia đình  quản  lý tốt con em mình, đặc biệt các quan hệ trên mạng xã hội. Tăng cường vai trò của hệ thống chính trị và xã hội trong công tác tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng tìm hiểu pháp luật, vấn đề tuyên truyền pháp luật không chỉ từ nhà trường mà còn từ cả gia đình và xã hội.
- Ba là, phối hợp với các cơ quan chức năng như: Sở Văn hóa - thể thao, lực lượng An ninh văn hóa, An ninh Kỹ thuật, Cảnh sát Công nghệ cao tăng cường công tác “kiểm soát mạng” phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng các dịch vụ thông tin. mạng Internet để làm quen, lừa bán phụ nữ, trẻ em.
- Bốn là, các ban ngành như Sở Lao động thương binh xã hội, Sở Tư pháp, Trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện nghiêm quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi cố yếu tố nước ngoài trên địa bàn tinh Quảng Bình theo Quyết định số 1200/QĐ-ƯBND ngày 08/5/2015 và cũng qua công tác này thông tin trẻ em được tiếp nhận nuôi dưỡng; nguồn cung cấp tài trợ tiền, vật chất; quy trình, nhân thân người nhận con nuôi để tìm ra sơ hở thiếu sót có thể bị các đối tượng mua bán trẻ em lợi dụng.
- Năm là, phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác nắm tình hình trên các tuyến, địa bàn có khả năng điều kiện đối tượng lợi dụng hoạt động như: tuyến, địa bàn biên giới; các bản, làng giáp ranh Lào; tuyến đường Tây Trường Sơn, Đông Trường Sơn; Quốc lộ 12. Tăng cường công tác nắm tình hình, nắm hộ, nắm người, kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, kiểm tra các cơ sở đặc doanh, các điểm kinh doanh internet ... chú ý số đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán có biểu hiện sử dụng mạng internet làm quen, lừa gạt, rủ rê phụ nữ, trẻ em đi chơi, du lịch, nhất là ra khu vực biên giới để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện hoạt động mua bán người.
- Sáu là, cần hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự về tội danh, quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người và di cư trái phép; mở rộng diện đối tượng được trợ giúp pháp lý theo đó bổ sung người là nạn nhân của tội phạm mua bán người cần được trợ giúp pháp lý miễn phí.
- Bảy là, cần tập trung khám phá, phát hiện, và điều tra các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em trong đó làm rõ các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này trong đó có thủ đoạn lợi dụng mạng internet để từ đó tập hợp, tổng kết, đánh giá, đưa vào các nội dung tuyên truyền và đề ra các giải pháp ngăn chặn kịp thời. Viện kiểm sát, Toà án nhân dân các cấp phối hợp lựa chọn một số vụ án điển hình liên quan đến hoạt động mua bán người để đưa ra xét xử công khai, lưu động tại địa bàn dân cư nhằm răn đe tội phạm góp phần phòng ngừa, giáo dục chung./.

Tác giả bài viết: Cao Phạm Tuân - Phòng 2 VKS tỉnh