Một số dạng vi phạm của bản án hình sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy, sửa và những giải pháp khắc phục

Quá trình thực hiên nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự  năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình nhận thấy các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố, thị xã đã chú trọng làm tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, qua theo dõi thấy còn một vài trường hợp do không làm tốt công tác kiểm sát bản án nên không phát hiện được những vi phạm của bản án hình sự sơ thẩm, dẫn đến bị cấp phúc thẩm sửa, hủy án. Để hạn chế tình trạng  Bản án hình sự sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa, huỷ án. Tôi xin nêu một số dạng vi phạm dẫn đến cấp phúc thẩm phải sửa, hủy án và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát bản án như sau:
1. Một số dạng vi phạm, thiếu sót
Những vi phạm dẫn đến hủy án, sửa án.
Trong năm 2019 đầu năm 2020, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy, sửa một số vụ án với những lý do sau: Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, như trong vụ án Trộm cắp tài sản người trực tiếp quản lý tài sản là bị hại nhưng một số bản án lại xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên đã hạn chế quyền kháng cáo của họ. Trong vụ án ma túy người đi cùng không biết bị cáo tàng trữ ma túy, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và tuyên họ có quyền kháng cáo bản án; xử phạt thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ, vừa áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” vừa áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho cùng một bị cáo trong một lần xét xử về cùng một tội; nộp tiền thu lợi trong vụ án đánh bạc lại áp dụng tình tiết “tự nguyện khắc phục hậu quả”; xác định sai tình tiết “tái phạm và “tái phạm nguy hiểm” dẫn đến truy tố, xét xử sai khung hình phạt. Áp dụng hình phạt tù không áp dụng Điều 33 Bộ luật Hình sự; phạt tiền không áp dụng Điều 30 Bộ luật Hình sự...
2. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của cấp sơ thẩm
Để xảy ra tình trạng trên là do Kiểm sát viên được phân công kiểm sát bản án còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm sát bản án. Mặt khác, trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố, Kiểm sát viên chưa làm hết trách nhiệm nên khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiềm sát điều tra vụ án còn chủ quan, chưa bám sát được tiến độ điều tra, không kịp thời phát hiện những chứng cứ còn thiếu hoặc chưa phát hiện những vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra kịp thời. Lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo giải quyết án hình sự chưa sâu sát trong việc kiểm sát bản án, thường giao hết trách nhiệm kiểm sát bản án cho Kiểm sát viên, dẫn đến có trường hợp bản án áp dụng thiếu tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo mà cả Lãnh đạo và Kiểm sát viên đều không phát hiện được…
3. Một số giải pháp khắc phục vi phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát Bản án hình sự sơ thẩm.
Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng bản án hình sự sơ thẩm có vi phạm dẫn đến cấp phúc thẩm sửa, hủy án, tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Một là:  Lãnh đạo các đơn vị phải chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, cũng như sau phiên tòa nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm của bản án sơ thẩm để kháng nghị. Tăng cường công tác kiểm sát bản án sơ thẩm và lập phiếu kiểm sát bản án theo đúng quy định. Khắc phục ngay vi phạm  thời hạn gửi bản án cho Phòng 7. Kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót của bản án, kiên quyết kháng nghị phúc thẩm. Những trường hợp vi phạm nhưng không nghiêm trọng thì tổng hợp lại để kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục..
Hai là: Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải kịp thời phát hiện vi phạm tố tụng trong hoạt động xét xử của HĐXX, sau phiên tòa phải quan tâm đến việc kiểm sát biên bản phiên tòa để phát hiện kịp thời sai sót của thư ký phiên tòa, từ đó đối chiếu lại giữa kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa cùng với đề nghị trong  luận tội của Viện kiểm sát, trên cơ sở đó nghiên cứu, xem xét việc nhận định về tội danh, việc áp dụng pháp luật để định tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có căn cứ pháp luật hay không, nếu có vi phạm phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét việc kháng nghị phúc thẩm.
Ba là: Đối với những vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại  do trách nhiệm của Viện kiểm sát, Lãnh đạo các đơn vị phải tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp khắc phục.

Tác giả bài viết: Diệu Thúy - P7