Đôi dòng cảm xúc về ngành kiểm sát nhân dân

Sắp tới ngày kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020) trong tôi lại có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Sau gần 12 năm gắn bó với nghề, tôi cảm thấy yêu màu áo xanh, màu áo thiên thanh hơn bao giờ hết. Bầu trời tháng 7 trong tôi năm nào cũng trong và xanh hơn bao giờ hết, như màu áo mà cán bộ Kiểm sát chúng tôi đang vinh dự được khoác lên mình.

Từ khi bước chân chập chững vào thực tập tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch và tốt nghiệp cử nhân Luật với đề tài luận văn “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân - Từ thực tiễn Viện KSND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình”, được tìm hiểu về ngành, được tiếp xúc với các bác, các chú, các anh, chị Kiểm sát viên đầy nhiệt huyết, đầy lòng yêu nghề thì tự lúc nào trong tôi đã hiện hữu một tình yêu với ngành Kiểm sát. Trong lòng luôn khát khao vào ngành, cống hiến cho ngành, được thực hiện những lời dạy của Hồ Chủ Tịch đối với cán bộ ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Mọi người bảo ngành Kiểm sát lương thấp, áp lực nặng nề, sao không chọn ngành khác. Nhưng như Khổng Tử đã từng nói “Hãy chọn công việc mà bạn yêu thích vì như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình”. Chức vụ cao hay lương bổng hậu hĩnh không phải là lý do chúng ta quyết định chấp nhận một công việc. Chọn lựa nghề nghiệp mình có hứng thú và đam mê sẽ giúp chúng ta tận hưởng công việc hàng ngày một cách hạnh phúc. Sau bao tháng ngày học tập, rèn luyện, tu dưỡng thật vinh dự và tự hào tôi đã được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát, được khoác lên mình màu áo thiên thanh mà mình hằng mơ ước vì thế tôi tự nhủ càng phải cố gắng học hỏi những kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Những ngày đầu công tác, tôi còn gặp nhiều bỡ ngỡ do những thứ tôi được học ở trường khác xa so với ngoài thực tế. Tuy nhiên, khi được những bác, chú, anh, chị lãnh đạo, Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm tận tình chỉ dẫn tôi cũng dần thích nghi, hòa nhập với công việc và nắm rõ, hiểu sâu hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành. Hiểu rằng để đưa được một vụ án ra xét xét xử là có bao sự nghiên cứu đêm ngày, bao nhiêu sự đấu tranh trực diện với tội phạm, bao nhiêu mồ hôi, chất xám của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát vụ án.

Tôi hiểu hơn rằng khi thực hiện quyền năng của mình, Kiểm sát viên phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải có đầy đủ căn cứ pháp luật để quyết định một biện pháp xử lí đúng đắn. Vì nghề Kiểm sát là nghề mà chúng tôi không được phép mắc sai lầm, bởi lẽ mỗi một quyết định của Viện kiểm sát ban hành ra là không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, đời sống chính trị của bản thân người đó mà còn ảnh hưởng đến cả một tổ ấm, hạnh phúc của một gia đình phía sau.

Tôi hiểu mỗi sự việc xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể, cho nên phải điều tra, nghiên cứu chu đáo để vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách pháp luật. Chẳng hạn trong quá trình điều tra, xử lí một vụ án, phải chú ý thu thập đầy đủ chứng cứ, giữ gìn, bảo quản dấu vết, vật chứng, lập biên bản chu đáo để tránh cho sau này khỏi sự đánh giá sai lệch. Khi quyết định phê chuẩn bắt giam một người phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, cân nhắc nhiều mặt như đã có đủ chứng cứ chưa, mức độ lỗi, hậu quả, nhân thân người phạm tội, có cần thiết cách ly khỏi xã hội hay không. Đúng như đồng chí Hoàng Quốc Việt- vị Tư lệnh đầu tiên của ngành Kiểm sát đã căn dặn “ công tác kiểm sát khi kết luận một hành vi phạm pháp phải đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, đúng chính sách thì mới có tác dụng để cho các cơ quan hữu quan sửa chữa, mới có thể giáo dục cải tạo những người phạm pháp trở thành người lương thiện, ngăn chặn những hành động sai trái”.

Gần 12 năm trong ngành, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm với ngành, với nghề, với những công việc mà tôi - người cán bộ Kiểm sát đang phải thực thi để giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Tôi vẫn còn nhớ kỉ niệm tại phiên tòa xét xử bị cáo tuổi vị thành niên Mai Anh Tuấn về tội “ Trộm cắp tài sản”. Khi tôi - đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa hỏi mục đích trộm điện thoại của bị cáo để làm gì? Bị cáo với ánh mắt ngây thơ trả lời: “Nhà bị cáo nghèo không có điện thoại nên khi thấy chị Loan có điện thoại thông minh, bị cáo đã lấy trộm để về sử dụng lướt Facebook”. Nghe bị cáo trả lời cả phiên tòa ồ lên rồi không khí phiên tòa như chùng xuống khi nghe bố bị cáo trình bày về hoàn cảnh gia đình bị cáo. Bị cáo sinh ra trong một gia đình có 12 anh em, bị cáo là con đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn là hộ nghèo nhiều năm liên tục, bố mẹ lại thường xuyên đau ốm việc quản lý giáo dục bị cáo thiếu chặt chẽ nên phải nghỉ học sớm để đi làm thêm hỗ trợ gia đình. Dù hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo rất đáng lên án nhưng có thể thấy khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo Mai Anh Tuấn đang ở độ tuổi vị thành niên nên chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý dễ bị chi phối với môi trường sống, mọi suy nghĩ còn nông cạn, thiếu hiểu biết về pháp luật nên tôi và các thành viên trong Hội đồng xét xử qua phiên tòa đã nhắc nhở, giáo dục bị cáo. Tại phiên tòa hôm đó, trên cơ sở xem xét nhân thân, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, với tư cách là đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa, tôi đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng chính sách đối với người vị thành niên, chưa cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian nhất định mà mà cho bị cáo được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ, giao bị cáo cho gia đình và chính quyền địa phương giám sát, giáo dục trong một thời gian cũng đủ để răn đe nhưng cũng tạo điều kiện cho bị cáo một con đường để phấn đấu trở thành người công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội, để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của pháp luật. Và đề nghị đó đã được Hội đồng xét xử chấp nhận. Bẵng đi 3 năm sau thì một buổi đang ngồi làm việc ở phòng, tôi bỗng thấy bố bị cáo và bị cáo Tuấn đi vào. Thấy tôi hai cha con cười tươi rạng rỡ và nói “ Nhờ đề nghị của o tại phiên tòa hôm đó mà nay cháu đã đi học nghề về và có công ăn việc làm ổn định. Chúng tôi cảm ơn o”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà lòng tôi bỗng thấy nhẹ nhõm và yêu ngành hơn bao giờ hết. Đúng như lời một bài hát về ngành Kiểm sát “Ngành của chúng tôi tha thiết tình đời. Luôn sống thương người như thể thương thân. Thiện ác phân minh sáng ngời công lý. Luôn soi chính mình trong gương sáng nhân dân”.

Qua thời gian công tác tôi càng hiểu, càng thấy yêu quý, trân trọng công việc của mình, tôi càng quyết tâm để trở thành một người cán bộ kiểm sát bản lĩnh, gương mẫu. Có lẽ, không ai hiểu thấu được sự vất vả của những ngày làm việc thâu trưa, những bữa ăn vội vàng, những buổi đêm đi khám nghiệm hiện trường. Bản thân là phụ nữ, mỗi lần khám nghiệm tử thi, trong lòng tôi không khỏi cảm giác sợ hãi. Nhưng rồi dần dần cũng thành quen, việc đi khám nghiệm cũng trở nên bình thường, trở thành chuyện cơm bữa mỗi khi vào ca trực. Đôi khi khối lượng công việc cùng một lúc dồn dập đến, có lúc phải tranh thủ cả ban đêm, ngày nghỉ đến cơ quan làm, có lúc là những ngày lễ vẫn phải đi khám nghiệm hiện trường ở vùng sâu, vùng xa, vào những khi mưa gió nhưng tôi chưa bao giờ bận tâm về điều đó, bởi tôi nghĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao là đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan.

Những buổi khám nghiệm hiện trường, tử thi một vụ án hình sự, đôi lúc là những phiên tòa tranh chấp dân sự, những phiên xử ly hôn, hay là thực hành quyền công tố tại những vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân... Chúng tôi- những người cán bộ ngành Kiểm sát vẫn lặng lẽ làm việc hàng ngày đảm bảo pháp luật được thực thi, mang công lý đến cho mọi người, những điều tưởng như rất bình thường đó lại làm nên hình ảnh người cán bộ Kiểm sát giản dị mà đẹp đẽ.
 Sáu mươi năm qua là một chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam, được viết lên bằng bao công sức, trí tuệ và sự hy sinh, cống hiến hết mình của nhiều thế hệ cán bộ Kiểm sát. Tôi tự hào khi được khoác trên mình “màu áo thiên thanh”, được tiếp bước ông cha viết tiếp truyền thống vẻ vang của Ngành kiểm sát trong sự nghiệp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tôi tự nhủ với bản thân phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị để trở thành người cán bộ, kiểm sát viên "vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", thực sự là chỗ dựa tin cậy, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tác giả bài viết: Lê Thị Phương Nhung - VKSND tỉnh Quảng Bình