Cần hiểu đúng và áp dụng thống nhất các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Để có thể quyết định một mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì cần hiểu rõ và đảm bảo việc áp dụng chính xác  các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội.

Sau đây là một trường hợp cụ thể trong thực tiễn về việc áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chưa thống nhất.
Năm 2017, Công ty TNHH Xây dựng PH do bà Hoàng Thị H làm Giám đốc đã xin tổng cộng 40 tờ hóa đơn giá trị gia tăng khống (hóa đơn không có hàng hóa dịch vụ kèm theo) của 07 Công ty đóng trên địa bàn tỉnh Q với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là 1.180.000.000 đồng và đã sử dụng để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế của kỳ báo cáo quyết toán thuế năm 2017, dẫn đến làm giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và làm tăng tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ. Hành vi của Hoàng Thị H đã trốn thuế của Nhà nước với số tiền 310.000.000 đồng (trong đó: Thuế giá trị gia tăng là 107.000.000 đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 203.000.000 đồng). Vụ án được phòng 3- Viện kiểm sát tỉnh Q thụ lý giải quyết.

Ngày 10/10/2020 VKS tỉnh Q ban hành cáo trạng truy tố bà H giám đốc công ty PH về tội “Trốn thuế” theo quy định tại khoản 2 Điều 161 BLHS 1999. Tại bản cáo trạng xác định bị cáo H được hưởng 03 tình tiết giảm nhẹ TNHS gồm: Tự nguyện khắc phục hậu quả; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải quy định tại các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Sau đó VKS tỉnh Q chuyển hồ sơ vụ án cho VKS huyện D để xét xử theo thẩm quyền.
Tại phiên tòa, VKS huyện D đề nghị Áp dụng khoản 2 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 65 Bộ luật hình sự 2015; các điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tự nguyện khắc phục hậu quả; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có đơn trình bày vể hoàn cảnh gia đình, lao động chính có xác nhận của chính quyền địa phương). Xử phạt bị cáo từ 09-12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18-24 tháng.

Ngày 12/11/2020 Hội đồng xét xử Tòa án huyện D ra Bản án áp dụng khoản 2 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 38 Bộ luật hình sự 2015; các điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tự nguyện khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo có đơn trình bày vể hoàn cảnh gia đình, lao động chính có xác nhận của chính quyền địa phương) xử phạt bị cáo H 06 tù giam. Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo đề nghị của VKS huyện D.

Xác định việc Tòa án huyện D không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với bị cáo là không đúng quy định pháp luật và việc không cho bị cáo được hưởng án treo là quá nghiêm khắc đối với bị cáo, không phù hợp với quy định của pháp luật, nhân thân của bị cáo. Do đó, Viện kiểm sát huyện D ban hành bản kháng nghị đối với bản án về phần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và phần hình phạt đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và cho bị cáo được hưởng án treo.

Ngày 24/12/2020 Tòa án nhân dân tỉnh Q mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát tỉnh Q đã rút một phần kháng nghị của Viện kiểm sát huyện D về phần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Tòa án tỉnh Q ra bản án áp dụng khoản 2 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999; các điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuyên chấp nhận một phần kháng nghị của VKS huyện D xử bị cáo 06 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách 12 tháng. Không áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” bởi vì bị cáo H phạm tội có mức án đến 03 năm tù và số tiền trốn thuế 310.000.000 là tương đối lớn nên không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, do đó kháng nghị của Viện kiểm sát huyện D là không có cơ sỡ.
Qua vụ án trên, có thể thấy rằng việc áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng giữa Tòa án và Viện kiểm sát, giữa các phòng (phòng 3, phòng 7) trong cùng một đơn vị của Viện kiểm sát vẫn chưa có sự chính xác và thống nhất. Tại bản cáo trạng của phòng 3 - Viện kiểm sát tỉnh Q truy tố bị can H theo khoản 2 Điều 161 BLHS 1999 và xác định bị can có 03 tình tiết giảm nhẹ TNHS gồm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên phòng 7- Viện kiểm sát tỉnh Q lại rút một phần kháng nghị của Viện kiểm sát huyện D về phần đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Như vậy , quan điểm của phòng 7 là không cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” như quan điểm truy tố của phòng 3 và Viện kiểm sát huyện D.

Việc áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo trong quá trình xét xử có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thể hiện việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh, thống nhất đồng thời phát huy được vai trò của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là tình tiết được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ đó là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì: “Phạm tội lần đầu” là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu; “Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:  Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.”.
Theo điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 về phân loại tội phạm thì: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
Như vậy, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng có nghĩa là mức hình phạt đối với tội phạm đó có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng không quá 03 năm. Điều này phù hợp với công văn giải đáp số 01/2017 của Tòa án nhân dân tối cao và phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự về phân loại tội phạm. Việc Tòa án huyện D và Tòa án tỉnh Q cho rằng bị cáo trốn thuế số tiền 310.000.000đ là số tiền tương đối lớn nên không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ pháp luật, ảnh hưởng đến quyền con người của bị cáo. Số tiền thiệt hại trong vụ án là trị giá tài sản thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra không phải mức hình phạt. Trường hợp gây thiệt hại 310.000.000đ trong vụ án nêu trên chỉ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” mới đúng tinh thần của pháp luật.

Số tiền bị cáo gây thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra trong vụ án mà Tòa án cho là tương đối lớn nên không thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng thực ra cũng chỉ là mức thiệt hại khởi điểm so với quy định tại khoản 2 Điều 161 BLHS 1999 “Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.Tuy nhiên, mức hình phạt tại khoản 2 Điều 161 BLHS 1999 cao nhất cũng chỉ đến 03 năm tù nên hoàn toàn thõa mãn trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng nên bị cáo đủ điều kiện được hướng tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Như vậy, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đã được pháp luật hiện hành quy định và hướng dẫn rõ ràng, thống nhất. Do đó cần có đánh giá và áp dụng đúng đắn cũng như đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn để việc giải quyết vụ án được chính xác đúng căn cứ pháp luật thể hiện được vai trò của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước ta, đồng thời cũng đảm bảo quyền con người của bị cáo trong tố tụng hình sự.

Tác giả bài viết: Thu Hiền - VKSTP . Đồng Hới