13:35 EDT Chủ nhật, 28/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » VKSND Huyện, TP, Thị xã » VKSND huyện Bố Trạch

Cần đảm bảo quyền được tham gia tố tụng của đương sự theo luật định

Thứ ba - 18/10/2016 20:51
Thông qua công tác kiểm sát đối với 01 bản án về Hôn nhân gia đình của Tòa án huyện BT, hiện có 02 quan điểm tranh luận khác nhau về kết quả giải quyết. Xin trao đổi cùng các đồng nghiệp.
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Chị Nguyễn Thị T., trú tại xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định kết hôn với anh Phan Đình T., trú tại xã ĐT, huyện BT, tỉnh QB tại UBND xã ĐT vào năm 2006. Đến nay giữa hai người vẫn chưa có con chung và tài sản chung. Theo trình bày của chị T. thì Tháng 10/2010 anh T. bỏ nhà đi, đến nay không về và không ai biết địa chỉ ở đâu nên chị T. làm đơn đề nghị Tòa án huyện BT tuyên bố mất tích đối với anh T. Ngày 23/8/2016, TAND huyện BT mở phiên họp việc dân sự tuyên bố anh T. hiện mất tích. Đến ngày 08/9/2016, chị T. làm đơn khởi kiện xin ly hôn được TAND huyện BT thụ lý giải quyết.
Ngày 29/9/2016, TAND huyện BT mở phiên tòa xét xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị T., vắng mặt anh T.
Sau khi có bản án HNGĐ ngày 29/9/2016 của TAND huyện BT, có hai quan điểm khác nhau về kết quả giải quyết.

* Quan điểm thứ nhất: Việc giải quyết của Tòa án huyện BT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ:
- Thứ nhất: Theo thông báo thụ lý vụ án ngày 08/9/2016 của TAND huyện BT ấn định cho bị đơn Phan Đình T. được quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ( chị T.), nhưng ngày 13/9/2016 Tòa án đã tiến hành triệu tập anh T. để tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và tổ chức hòa giải. Như vậy, thời gian tiến hành kiểm tra giao nộp chứng cứ và tiến hành hòa giải của Tòa án chưa đảm bảo về thời hạn để bị đơn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình như thời hạn Tòa án đã ấn định trong thông báo thụ lý vụ án. Mặt khác, về nguyên tắc tiến hành hòa giải thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án (04 tháng kể từ ngày thụ lý đối với những vụ án thông thường theo điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ luật TTDS), Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án được 05 ngày, Tòa án đã triệu tập các đương sự để tiến hành hòa giải và chỉ tiến hành hòa giải một lần duy nhất vào ngày 13/9/2016. Việc làm này của TAND huyện BT đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tham gia tố tụng và định đoạt của đương sự có liên quan, vi phạm khoản 1 Điều 199 và khoản 1 Điều 205 Bộ luật TTDS năm 2015.

- Thứ hai: Sau khi lập biên bản đương sự vắng mặt không hòa giải được vào ngày 13/9/2016 thì ngày 14/9/2016 Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và ấn định thời gian mở phiên tòa vào ngày 29/9/2016 mà không tiến hành xác minh làm rõ lý do sự vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, hồ sơ cũng không thể hiện việc Tòa án đã thực hiện các phương thức cấp, tống đạt hợp lệ thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, giấy triệu tập...cho bị đơn. Trong trường hợp này biện pháp cấp, tống đạt phù hợp nhất là thực hiện thủ tục niêm yết công khai theo Điều 179 BLTTDS. Mặc dù hồ sơ vụ án thể hiện ngày 23/8/2016 Tòa án đã có quyết định tuyên bố mất tích đối với anh Phan Đình T. nhưng tại hồ sơ vụ án ly hôn không có tài liệu nào làm căn cứ thể hiện từ sau ngày 23/8/2016 đến nay anh T. vẫn còn mất tích hay đã liên lạc cho gia đình hoặc đã trở về địa phương. Do đó, khi thụ lý vụ án kiện xin ly bắt buộc Tòa án vẫn phải tiến hành đầy đủ các trình tự thủ tục tố tụng theo đúng quy định đối với việc giải quyết một vụ án dân sự được quy định tại Phần thứ hai (từ Chương XII đến Chương XIV) của Bộ luật TTDS năm 2015.
Như vậy, việc làm trên của Tòa án huyện BT đã vi phạm điểm h khoản 2 Điều 97, khoản 1 Điều 171 và Điều 174 Bộ luật TTDS năm 2015.
- Thứ ba: Tại phiên tòa lần thứ nhất ngày 29/9/2016 mặc dù vắng mặt anh Phan Đình T. không rõ lý do nhưng HĐXX vẫn tiến hành xét xử và tuyên bản án mà không quyết định hoãn phiên tòa lần thứ nhất đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, nghĩa vụ được tham gia phiên tòa của bị đơn, vi phạm khoản 1 Điều 227 Bộ luật TTDS năm 2015.

Do những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nói trên đã gây ảnh hưởng tới quyền được tham gia tố tụng của đương sự theo luật định nên những người theo quan điểm thứ nhất đồng ý cần ban hành kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.

* Quan điểm thứ hai:
Trong trường hợp này, do trước đó Tòa án đã ra quyết định tuyên bố anh T. mất tích nên việc gửi, tống đạt các quyết định có liên quan của vụ án ly hôn cho bị đơn là không thể nào thực hiện được. Mặt khác, trước khi tuyên bố anh T. mất tích, Tòa án huyện BT đã thực hiện thủ tục thông báo trên Đài tiếng nói Việt Nam và nhắn tin ba số liên tiếp trên báo Trung ương nhưng không có tin tức của anh T. nên trong vụ án xin ly hôn tiếp theo, không cần thiết phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng lần nữa và cũng không nhất thiết phải chờ đến hết thời hạn 15 ngày, đúng như thời hạn đã ấn định trong thông báo thụ lý mới tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp chứng cứ và hòa giải, vì như vậy việc chờ đợi cũng không có kết quả, chỉ kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Khi giải quyết vụ án ly hôn trên, Tòa án sơ thẩm chỉ cần căn cứ quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 51 và Điều 56 Luật HNGĐ 2014) để giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của chị T. Hội đồng xét xử không cần hoãn phiên tòa khi bị đơn vắng mặt mặt lần thứ nhất mà vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung là đúng.   
Như vậy, những người theo quan điểm thứ hai cho rằng việc giải quyết của Tòa án huyện BT là phù hợp quy định nên không nhất thiết kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án.

Người viết đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ đây là một vụ án ly hôn nên việc giải quyết cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục chung đối với một vụ án theo đuy định tại Chương X và từ Chương XII đến Chương XIV của BLTTDS năm 2015. Vụ án lại không thuộc trường hợp giải quyết theo thủ tục rút gọn. Mặt khác, Bộ luật TTDS và các văn bản hướng dẫn hiện hành không có quy định khi giải quyết vụ án ly hôn mà trước đó có đương sự đã bị Tòa án tuyên bố mất tích thì thời hạn giải quyết được được rút ngắn và không cần thực hiện đầy đủ các bước thủ tục theo quy định chung. Việc tuyên bố mất tích chỉ là một thủ tục việc dân sự được quy định thành chương riêng của BLTTDS và quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án chỉ là việc xác định một sự kiện pháp lý tại thời điểm đương sự có đơn yêu cầu giải quyết mà không bắt buộc kể từ khi có quyết định của Tòa án thì người bị yêu cầu sẽ bị coi như mất tích mãi mãi. Người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích có thể trở về bất cứ lúc nào và có quyền đề nghị Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với mình. Trong trường hợp này, ngay sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích đối với anh T. vào ngày 23/8/2016 mà ngay sau đó anh T. trở về thì có quyền đề nghị Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với mình theo Điều 390 BLTTDS, khi đó Tòa án có thể phải tạm đình chỉ vụ án kiện xin ky hôn của chị T. để giải quyết theo yêu cầu của anh T. Việc Tòa án giải quyết vụ án ly hôn mà không tiến hành xác minh làm rõ hiện anh T. đang bị mất tích hay không mà chỉ căn cứ vào quyết định giải quyết việc dân sự trước đó để bỏ qua các trình tự thủ tục chung của vụ án và xét xử vắng mặt đối với anh T. là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Do đó, tác giả đồng ý phải ban hành kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án để không những nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự mà hơn hết nhằm đảm bảo việc chấp hành pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.

Trên đây là một số quan điểm đánh giá trong thực tiễn thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án về HNGĐ. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của các đồng nghiệp nhằm làm sáng tỏ vấn đề, tạo thuận lợi cho công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự trong thời gian tới được thực hiện có hiệu quả./.

Tác giả bài viết: Văn Phúc_VKS huyện Bố Trạch

Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4


Hôm nayHôm nay : 1632

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 108156

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8430714

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến