20:47 EDT Thứ bảy, 27/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » VKSND Huyện, TP, Thị xã

Quyết định hủy án sơ thẩm của Tòa án phúc thẩm có đúng căn cứ pháp luật ?

Thứ tư - 26/10/2016 02:45
Việc giải quyết một vụ án tranh chấp dân sự đúng căn cứ pháp luật, thấu tình đạt lý, đảm bảo sự công bằng giữa các đương sự là điều rất quan trọng và hết sức cần thiết và để giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật đòi hỏi quá trình giải quyết phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án, làm rõ các vấn đề liên quan đến yêu cầu của đương sự, đánh giá đúng các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và quan trọng hơn nữa là việc áp dụng đúng căn cứ pháp luật. Khi giải quyết vụ án có kháng cáo, kháng nghị, nếu đưa ra căn cứ không đúng pháp luật, không phù hợp với vụ án để tùy tiện quyết định hủy án sơ thẩm đã làm cho vụ án phải giải quyết qua nhiều lần làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự.

Vụ án cụ thể: Năm 1992 gia đình ông An, bà Bê được ủy ban nhân dân huyện ĐB cấp đất, với diện tích 1600 m2, trong đó 200m2 đất ở còn lại là đất vườn. Tháng 01/1995 ông An tự ý cắt 6m mặt tiền và 20m chiều sâu (đất vườn) bán cho ông Trần Văn Hát với giá 40 triệu đồng, việc mua bán chỉ viết giấy tay và chưa qua công chứng. Tháng 6/1995 ông Hát bán lại phần đất đã mua của ông An cho vợ chồng ông Hiệp bà Hội với giá 50 triệu đồng, việc mua bán cũng bằng giấy viết tay không có công chứng. Năm 2015 ông Hiệp đổ đá tại phần đất đã mua để xây hàng rào nhưng bà Bê cản trở không cho xây dựng, qua tìm hiểu bà Bê mới biết là ông An chồng bà đã tự ý bán đất mà không có sự đồng ý của bà. Ngày 20/4/2016 bà Bê làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện ĐB tuyên bố giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông An chồng bà với ông Hát và và giữa ông Hát với vợ chồng ông Hiệp bà Hội là vô hiệu.

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án huyện ĐB đã tiến hành thu thập chứng cứ và xác định được việc mua bán giữa các bên đều là viết tay, chưa qua công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau khi mua đất đến thời điểm tranh chấp ông Hiệp chưa xây nhà, chưa trồng cây và việc mua bán đất trên là tài sản chung nhưng bà Bê không biết. Ông Hiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước từ khi mua đất đến nay, năm 2010 Nhà nước làm đường có thu hồi một phần đất thì ông Hiệp là người có tên trong danh sách được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Quá trình giải quyết các bên không yêu cầu định giá tài sản và không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án, nguyên đơn đưa ra giá đất là 70.000.000đ, bị đơn đưa ra giá 120.000.000đ. Ngày 20/4/2016 Tòa án có công văn gửi Chi cục thuế yêu cầu cung cấp thông tin về việc nộp thuế và Chi cục thuế đã có văn bản trả lời là đã thu thuế của ông Hiệp từ năm 2007 nhưng nếu Tòa án xác định việc thu thuế không đúng thì sẽ được trả lại tiền thuế.

Ngày 15/6/2016 Tòa án huyện ĐB mở phiên tòa xét xử vụ án, quyết định tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên là vô hiệu, buộc các bên trao trả cho nhau những gì đã nhận,  áp dụng thông tư 02/2014 xác định giá trị mãnh đất theo giá thị trường do các bên đưa ra rồi lấy trung bình cộng, giá mãnh đất hiện tại là 635.000.000đ, xác định lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu là 50 %, do đó buộc nguyên đơn trả lại cho bị đơn số tiền 317.000.000đ.

Sau thời hạn 10 ngày, bà Bê kháng cáo cho rằng việc buộc bà phải liên đới trả lại cho ông Hiệp 317.000.000 là quá cao so với giá trị mãnh đất, Tòa án đưa ra giá đất không đúng căn cứ, đề nghị xem xét lại. Bị đơn kháng cáo cho rằng giá trị lô đất trên thị trường cao hơn 635.000.000 nên Tòa án buộc nguyên đơn trả lại cho ông 317.000.000 là thiệt thòi cho ông nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại giá đất.

 Ngày 10/9/2016 TAND tỉnh HB xét xử phúc thẩm, quyết định hủy án sơ thẩm vì các lý do:
- Tại cấp sơ thẩm không thu thập giấy nhận tiền đền bù của ông Hiệp là chưa thu thập đầy đủ chứng cứ của vụ án
- Không đưa đại diện cơ quan thuế vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng
- TA cấp sơ thẩm xác định giá trị tài sản bằng cách lấy giá trung bình cộng của các bên đương sự đưa ra là chưa đúng căn cứ pháp luật, vi phạm khoản 2 Điều 2 thông tư 02/ 2014 và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo điểm b, Điều 104 BLTTDS.

Theo quan điểm của tác giả, Tòa án cấp phúc thẩm xác định Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm các nội dung nêu trên là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ pháp luật và chưa bảo vệ được quyền lợi của các bên đương sự. bởi vì các lý do sau:

- Thứ nhất, về việc Tòa cấp sơ thẩm không thu thập giấy nhận tiền đền bù của ông Hiệp là chưa thu thập đầy đủ chứng cứ của vụ án. Theo nội dung vụ án trên, các bên đương sự đều công nhận ông Hiệp đã nhận số tiền đền bù giải phóng mặt bằng và trong danh sách nhận tiền đền bù có tên ông Hiệp, các bên đương sự không hề có tranh chấp gì về việc nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nên Tòa án cấp phúc thẩm nhận định chưa thu thập thêm giấy biên nhận tiền đền bù là không có ý nghĩa, không phù hợp với việc giải quyết vụ án.

- Thứ hai: Tòa án phúc thẩm cho ràng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Chi cục thuế vào với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng. Điều này không hợp lý. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm,Tòa án đã có công văn gửi Chi cục thuế đề nghị cung cấp những thông tin liên quan đến vụ án và đã được Chi cục thuế trả lời là đã thu thuế đất của ông Hiệp từ năm 2007, nếu Tòa án có kết luận khác thì được trả lại tiền thuế đã nộp. Như vậy, vấn đề ai là người nộp thuế, nộp từ khi nào, nếu đối tượng nộp thuế không đúng thì giải quyết như thế nào đã được Chi cục thuế trả lời rất cụ thể và rõ ràng nên đã có đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Hơn nữa, các bên đương sự không có yêu cầu gì đối với Chi cục thuế nên Chi cục thuế không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

- Thứ ba: Tòa án cấp phúc thẩm xác định Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào giá các bên đưa ra và căn cứ vào khoản 1 Điều 17 thông tư liên tịch 02/2014 ngày 28/3/2014 để lấy giá trung bình cộng của các bên đưa ra để tính giá trị thửa đất là không có căn cứ, vi phạm khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2014 và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo điểm b khoản 3 Điều 104 BLTTDS. Nhận định này của Tòa án cấp phúc thẩm là vô căn cứ, bởi lẽ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 02/2014 thì Tòa án xác định giá tài sản trong trường hợp các bên đương sự không tự thỏa thuận được việc xác định giá tài sản nhưng không yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì Tòa án yêu cầu các bên đưa ra giá, trường hợp các bên đưa ra các mức giá khác nhau thì Tòa án lấy mức giá trung bình cộng của các mức giá do các đương sự đã đưa ra.Trong vụ án này, các đương sự không yêu cầu định giá nên Tòa án lấy giá trung bình cộng do các bên đưa ra là đúng theo hướng dẫn của Thông tư 02/ 2014.

Tòa án cấp phúc thẩm xác định việc xác định giá của Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2014 là không chính xác, bởi vì khoản 2 Điều 2 Thông tư quy định “ việc định giá tài sản được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỷ thuật, thực trạng của tài sản, phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá” đây là hướng dẫn về nguyên tắc chung của việc định giá tài sản. Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm không định giá vì các bên đương sự không yêu cầu, Tòa sơ thẩm chỉ xác định giá trung bình cộng do các đương sự đưa ra theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 17 thông tư 02/2014.

Mặt khác, Tòa cấp phúc thẩm kết luận tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo điểm b khoản 3 Điều 104 BLTTDS là hoàn toàn không có căn cứ, bởi lẽ Điều 104 BLTTDS năm 2011 quy định về việc buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng thì không liên quan gì đến vụ án này, còn nếu theo Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định về định giá, thẩm định giá tài sản thì càng không có căn cứ, vì quá trình thụ lý vụ án cho đến khi xét xử sơ thẩm ngày 16/6/2016 thì BLTTDS năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật.

Theo quan điểm của tác giả, các căn cứ mà Tòa cấp phúc thẩm cho rằng Tòa cấp sơ thẩm có vi phạm để quyết định hủy án là không có căn cứ vì ba lý do nêu trên, do đó để bảo vệ quan điểm giải quyết của cấp sơ thẩm, đảm bảo vụ án giải quyết đúng pháp luật, công bằng; Tòa án hoặc Viện kiểm sát cấp sơ thẩm cần có văn bản để nghị Tòa án, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm báo cáo đề nghị Viện kiểm sát Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm.
Rất mong nhận được sự đóng góp, trao đổi của các đồng nghiệp và bạn đọc.

Tác giả bài viết: Trần Thị Thu Hiền_VKS TP. Đồng Hới

Tổng số điểm của bài viết là: 41 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4


Hôm nayHôm nay : 6906

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 106726

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8429284

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến