16:57 EDT Thứ sáu, 19/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

VKSND huyện Bố Trạch:Chủ động và tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành các kháng nghị, kiến nghị...

Chủ nhật - 27/09/2020 22:19
Theo Điều 4 Luật TCVKSND năm 2014 đã quy định: VKSND kiểm sát hoạt động tư pháp để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng trong giai đoạn truy tố; kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền. Thông qua hoạt động kiểm sát tư pháp nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót để ban hành các kháng nghị, kiến nghị tùy theo mức độ vi phạm, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, từ đó ban hành có chất lượng các kháng nghị, kiến nghị đối với các cơ quan Tư pháp, trong những năm qua VKSND huyện Bố Trạch luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá được đặt ra trong chương trình công tác năm của đơn vị. Để thực hiện có hiệu quả, đạt chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND huyện Bố Trạch đã đề ra các giải pháp để thực hiện tốt cả về số lượng, chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các bản kháng nghị, kiến nghị trong hoạt động tư pháp. Cụ thể kết quả đạt được trong một số lĩnh vực đó là:

- Trong công tác THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp lĩnh vực hình sự: Những năm qua, đơn vị đã đổi mới về tổ chức hoạt động, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm của mỗi Kiểm sát viên trong quá trình được phân công tham gia kiểm sát các hoạt động của Cơ quan điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi-phương tiện các vụ việc hình sự xảy ra trên địa bàn và việc áp dụng các biện pháp điều tra khác như thu giữ vật chứng, xác minh, lấy lời khai, công tác giám định.v.v.. Nhận thức rõ việc khám nghiệm hiện trường, tử thi, xác minh.v.v. là những hoạt động điều tra ban đầu hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho việc thu thập, đánh giá chứng cứ của tội phạm và các hành vi vi phạm khác liên quan, để từ đó đảm bảo việc ban hành các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ đúng pháp luật. Chính vì vậy, mỗi KSV luôn phải có tinh thần chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm phối hợp với Cơ quan điều tra bám sát các vụ, việc đề ra những yêu cầu điều tra chính xác, phù hợp, đem lại kết quả xử lý đúng pháp luật.

Từ năm 2015 đến T8/2020, Viện kiểm sát Bố Trạch đã kiểm sát 497 tin báo, tố giác tội phạm. Phối hợp với Cơ quan điều tra phân loại khởi tố 456 vụ, Viện kiểm sát truy tố 446 vụ, Toà án xét xử 440 vụ. VKS cũng đã tiến hành kiểm sát trực tiếp tại Công an huyện Bố Trạch 07 lần, kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành 10 kiến nghị khắc phục; Ban hành 02 kiến nghị phòng ngừa đối với Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng và 30 UBND xã, thị trấn trong công tác khai thác, bảo vệ rừng. Phối hợp liên ngành xác định nhiều vụ án trọng điểm, mở nhiều phiên tòa xét xử lưu động về các địa phương, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhiều tầng lớp nhân dân. Tiến hành tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm cho mỗi ĐTV, KSV, Thẩm phán, góp phần giúp mỗi KSV nâng cao hơn vai trò, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp đối với mỗi hồ sơ vụ án, mỗi phiên tòa được phân công thụ lý kiểm sát, góp phần nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỷ năng tranh tụng…theo Nghị quyết 49 về Cải cách Tư pháp mà Bộ Chính trị đặt ra.

- Về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự: Có thể nói, công tác tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tư pháp. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt tư pháp theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Quy chế, Chỉ thị, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và văn bản có liên quan khác. Viện kiểm sát huyện Bố Trạch đã chú trọng phân công KSV có trách nhiệm nhằm thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam. Hoạt động kiểm sát không những để yêu cầu hoạt động tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật mà thông qua hoạt động kiểm sát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, kịp thời phát hiện những thiếu sót vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Thông qua công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam ngoài việc theo dõi hoạt động tạm giữ, tạm giam, thi hành án của Cơ quan THAHS cấp huyện và UBND các xã, thị trấn được thực thi đúng pháp luật, công tác kiểm sát còn phải biết chú trọng tới việc nắm bắt tâm lý, sức khỏe, thái độ của người bị tạm giữ, tạm giam, người thi hành án để từ đó có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở họ nâng cao ý thức chấp hành các nội quy, chế độ về tạm giữ, tạm giam, ý thức hợp tác trong khai báo hành vi phạm tội, ý thức cải tạo chấp hành án…giúp họ sớm trở thành công dân tốt khi tái hòa nhập cộng đồng.

- Trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, HN-GĐ, án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được xác định là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp bởi các tính chất tranh chấp, khiếu kiện của mỗi vụ, việc và tâm lý vùng miền của người dân khác nhau. Một số vụ, việc về DS, HN-GĐ, KD-TM không thuộc trường hợp VKS trực tiếp tham gia phiên tòa nên hoạt động kiểm sát được tiến hành thông qua việc kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, để phát hiện được những vi phạm, thiếu sót, Kiểm sát viên phải tập trung nghiên cứu các nội dung, nhận định trong các quyết định, bản án để so sánh, đối chiếu với các quy định pháp luật, từ đó có biện pháp đánh giá, phát hiện và nhận diện đúng những vi phạm, thiếu sót của cơ quan tư pháp có liên quan nhằm tham mưu đúng cho Lãnh đạo Viện hướng xử lý. Trong những năm qua, đơn vị đã ban hành 10 kháng nghị yêu cầu hủy, sửa đối với các bản án Dân sự, HNGĐ, KDTM được cấp xét xử phúc thẩm chấp nhận và 10 kiến nghị tổng hợp đối với Tòa án huyện về một số dạng vi phạm như: Vi phạm về thời hạn giải quyết; Vi phạm về thời hạn gửi, tống đạt các văn bản tố tụng, việc chuyển giao hồ sơ cho VKS và các đương sự; Việc xác minh, thu thập chứng cứ và xác định tư cách tố tụng đương sự còn chưa đúng; Việc công nhận sự thỏa thuận đương sự trong một số trường hợp vượt quá yêu cầu, phạm vi khởi kiện.v.v. Hiện nay, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Cơ quan Tòa án – VKS nên trong quá trình kiểm sát, giữa KSV và Thẩm phán đã có sự chủ động phối hợp để kiểm sát chặt chẻ ngay trong quá trình lập hồ sơ giải quyết của Tòa án, từ đó kịp thời trao đổi, đề ra những yêu cầu đối với Tòa án trong thu thập chứng cứ, xác định tư cách tố tụng của các đương sự…được hầu hết các Thẩm phán chấp nhận thực hiện, bổ sung. Từ đó, đảm bảo mỗi, vụ, việc được giải quyết đều có căn cứ, các bản án, quyết định được ban hành đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm, không để xảy ra tình trạng bị cấp trên sửa, hủy án có trách nhiệm của Kiểm sát viên.
 
- Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, công công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cũng đã được chú trọng và tăng cường, nâng cao được hiệu quả và chất lượng, đảm bảo việc ban hành kịp thời các kiến nghị, yêu cầu cơ quan tư pháp có liên quan khắc phục, nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xử lý, giải quyết các vụ, việc, đơn khư khiếu nại-tố cáo phát sinh. Góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố và nâng cao vị thế ngành kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung ở địa phương.
Về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong kiểm sát hoạt động tư pháp được VKSND huyện Bố Trạch chú trọng đặt ra trong thời gian tới đó là:

- Một là, về công tác cán bộ: Lãnh đạo Viện tiếp tục quan tâm bố trí cán bộ, Kiểm sát viên đủ về số lượng và có trình độ, không chỉ am hiểu sâu về pháp luật mà còn biết linh hoạt trong vận dụng thực tiễn, có năng lực, trình độ nghiệp vụ, có kinh nghiệm để nhận diện đúng những vi phạm của các cơ quan tư pháp, những tồn tại thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước để kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị phòng ngừa.

- Hai là, đối với các cán bộ, Kiểm sát viên được phân công ở mỗi lĩnh vực kiểm sát hoạt động Tư pháp cần nắm chắc các quy định của pháp luật, bám sát các chỉ tiêu nghiệp vụ theo Chỉ thị công tác hàng năm của Viện trưởng VKSNDTC và các Chương trình, Hướng dẫn công tác của VKSND tỉnh Quảng Bình, từ đó xây dựng phù hợp kế hoạch công tác của bộ phận, lĩnh vực phân công để Lãnh đạo phụ trách và đồng chí Viện trưởng theo dõi, có biện pháp chỉ đạo nhằm đạt và hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ. Trong quá trình thực hiện, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu từng vụ, việc cụ thể, nếu phát hiện có vi phạm, thiếu sót cần chủ động phối hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan để có biện pháp khắc phục trước khi ban hành các quyết định giải quyết. Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng đã rõ về căn cứ pháp luật thì tùy tính chất, mức độ để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành Kháng nghị, Kiến nghị khắc phục theo đúng pháp luật cả về số lượng và chất lượng. Đối với những vấn đề khó khăn do còn nhận thức khác nhau về áp dụng pháp luật thì đề xuất Lãnh đạo Viện báo cáo thỉnh thị VKS cấp trên để có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

- Ba là,  Lãnh đạo các ngành có liên quan trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện để tăng cường hơn nữa sự thuận lợi trong phối hợp giữa các ĐTV-KSV-TP-CHV.v.v.. , hướng đến việc xây dựng và ký kết các quy chế phối hợp giữa VKS với Cơ quan điều tra, Tòa án, THADS về lĩnh vực tiếp nhận giải quyết tin báo; giải quyết các vụ, việc dân sự; lĩnh vực THADS-THAHS. Từ thực tiễn kiểm sát các hoạt động tư pháp cho thấy, hiện nay việc thực hiện nhiệm vụ của VKS và các cơ quan Tư pháp vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập từ các quy định của Luật và văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó là những nhận thức và áp dụng pháp luật của một số cán bộ các đơn vị còn nhầm lẫn và chưa thống nhất, chưa có sự vận dụng linh hoạt phù hợp theo tính chất từng vụ, việc. Do đó, việc xây dựng và ký kết các quy chế phối hợp theo từng lĩnh vực là cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng cơ bản được yêu cầu trong tình hình hiện nay, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc còn gặp phải, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện những vấn đề mà hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được trong thực hiện chức năng hoạt động kiểm sát tư pháp của đơn vị VKSND huyện Bố Trạch thời gian qua cho thấy đó là nhờ sự phối hợp tích cực, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của các Cơ quan Tư pháp, của cấp ủy Chính quyền địa phương các cấp huyện Bố Trạch, sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Lãnh đạo Viện VKSND tỉnh Quảng Bình và các phòng nghiệp vụ, đặc biệt là hiệu quả và chất lượng của các kháng nghị, kiến nghị mà VKSND huyện Bố Trạch đã ban hành trong thời gian qua. Việc nâng cao chất lượng và số lượng các kháng nghị, kiến nghị đã góp phần ngăn ngừa và hạn chế các sai phạm, thiếu sót trong hoạt động Tư pháp, giúp các ngành ngày càng nâng cao hơn trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật, đảm bảo giữ gìn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương, củng cố vị thế và niềm tin của các cấp ủy Đảng, nhân dân đối với hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Đinh Văn Phúc - VKS H. Bố Trạch

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 5


Hôm nayHôm nay : 3847

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 72627

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8395185

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến