22:33 EDT Thứ năm, 18/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Tội phạm về ma tuý, một số nguyên nhân và giải pháp

Thứ tư - 27/08/2014 23:40
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng đã đạt nhiều kết quả góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, mặc dù số tội phạm xảy ra không tăng so với cùng kỳ các năm trước, nhưng diễn biến, tính chất ngày càng phức tạp; mức độ, hậu quả hết sức nghiêm trọng, nhất là tội phạm về ma túy.
     Theo số liệu thống kê, trong thời gian từ ngày 01/12/2012 đến ngày 31/7/2014 VKSND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã truy tố 56 vụ - 80 bị can với các hành vi Mua bán, Vận chuyển, Tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong số 80 bị can đã truy tố có 73 bị can  Nam (chiếm 91,25%), 07 bị can Nữ (chiếm 8,75%); Về độ tuổi: từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi có 04 bị can (chiếm 5%), từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi có 55 bị can (chiếm 68,7%), từ 30 tuổi trở lên có 21 bị can (chiếm 26,3%); có 43 bị can lang thang, không có việc làm (chiếm 53,75%); có 28 bị can đang có tiền án, tiền sự (chiếm 35%) trong đó có 16 bị can có tiền án, tiền sự về ma túy (chiếm 57,2%). Điển hình,vụ Mai Thái Học (trú tại thôn 5, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vận chuyển trái phép 41,786 g Hêrôin, Bị TAND tỉnh Quảng Bình xét xử ngày 02/6/2014 xử phạt 16 năm tù; Vụ Lê Hữu Sáu (SN 1986, ở Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) và 01 người tên là Xẵn (SN 1989 - quốc tịch Lào) mua bán trái phép 405 viên nén dạng thuốc Tân Dược có màu hồng và màu xanh, bên trên các viên có ký hiệu “WY”, kết quả giám định là ma tuý tổng hợp, có tổng trọng lượng 37,5gam bị bắt quả tang ngày 23/6/2014.
     Từ thực tiễn công tác và qua kết quả thống kê, báo cáo có thể rút ra các nguyên nhân chính dẫn đến tội pham về ma túy như sau:        
     Trước hết, do ý thức phấn đấu, tự rèn luyện, tu dưỡng của các cá nhân quá yếu hoặc do hoàn cảnh khách quan đưa đến như bị bạn bè lôi kéo, rủ rê đến với con đường phạm tội. Đa số đối tượng thanh thiếu niên nghiện dẫn đến thất học hoặc có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp không ổn định, không kiếm đủ tiền cho cuộc sống độc lập của mình, vì thế họ có cảm giác thua thiệt, nên tâm lý dễ nảy sinh chán chường, bất mãn và theo bạn bè dẫn đến nghiện ngập ma tuý.
     Thứ hai, cũng có thể kể đến việc thanh - thiếu niên - học sinh phạm tội đó là do lỗi của các bậc cha mẹ ít quan tâm đến con cái, không nhìn thấy được những hành vi sai trái của con trẻ để dạy dỗ, răn đe, ngăn chặn. Bên cạnh đó, chúng ta cần nhận thấy mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho một số người đổ xô tìm kiếm lợi nhuận bằng bất kể giá nào, thậm chí bằng cả tội ác. Với họ, thông thường có lối sống buông thả, ưa hưởng thụ. Bằng việc buôn bán “cái chết trắng” đã tạo cho họ một “siêu lợi nhuận”. Chính vì nguồn thu bất hợp pháp này đã làm suy giảm đi đạo đức của con người. Họ tìm mọi cách để dụ dỗ, lôi kéo, lách luật với mục đích cuối cùng là làm sao tiêu thụ được càng nhiều ma túy, càng nhiều người mua thì họ càng thu lại đuợc nhiều lợi nhuận.  Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp, không có việc làm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dắt một số người mắc vào tệ nạn ma túy.
     Thứ ba, do công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên. Những cơ quan chức năng chưa kiểm tra để xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện nghiện ma túy, đồng thời chưa thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy đến từng gia đình, từng cộng đồng thôn xóm, làng, xã khu phố và đến từng công dân, chưa phối hợp chặt chẻ với các gia đình để nắm chắc những trường hợp con em có biểu hiện và nghiện ma túy để xử lý về hình sự hoặc đưa vào các trung tâm cai nghiện.
     Một nguyên nữa là do sự buông lỏng quản lý của các bậc gia đình, ít quan tâm đến con cái đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đứa trẻ tiếp cận với ma tuý và trở thành kẻ nghiện ma tuý.
     Để công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về ma túy có hiệu quả có thể thưc hiện các giải pháp cơ bản sau:
     Một là, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần chủ động thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng, Phòng lao động TB&XH và một số ban ngành khác để nắm chắc các tin báo, tố giác về tội phạm ma túy, kịp thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật những đối tượng phạm tội nhăm để răn đe cho những kẻ khác.
     Hai là, đối với công tác tuyên truyền cần đa dạng, phong phú hơn nữa về nội dung và hình thức nhằm giúp cho mọi người dân hiểu được tác hại của ma túy đối với đời sống cộng đồng. Công tác giáo dục, tuyên truyền cần có hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền. Cùng với truyền thông đại chúng, còn bằng công tác giáo dục trực tiếp, đưa nội dung phòng, chống ma túy vào các buổi học ngoại khóa của nhà trường, trung tâm văn hóa… nhằm giúp người dân có cái nhìn khách quan về ma túy.
     Ba là, song song với việc tuyên truyền thì ngay trong mỗi bản thân người dân cần có ý thức về tác hại của ma túy. Quan tâm hơn nữa đến gia đình bởi gia đình là tế bào của xã hội, cần hướng con em mình vào những hoạt động vui chơi lành mạnh của thanh thiếu niên trong cộng đồng dân cư và nhà trường qua đó tránh xa tệ nạn ma túy. Đối với những gia đình có con em mắc nghiện cần phối hợp với các trung tâm cai nghiện để động viên con em mình đi cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, hòa nhập xã hội.
     Bốn là, các cơ quan chính quyền địa phương cần có sự phối hợp, thống nhất trong công tác nhằm hạn chế tình hình nghiện ma túy trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ mặc cảm của người nghiện ma túy khi trở về xã hội, giúp họ có sự hòa nhập cộng đồng khi trở về từ các trung tâm cai nghiện. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng trên giúp họ nhận thức đuợc tác hại của ma túy để tránh xa các đối tượng xấu rủ rê họ quay lại con đường nghiện ngập.
     Năm là, tăng cường, củng cố chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma túy. Các cấp xã, phường cần gắn kết hơn nữa với gia đình. Nâng cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh thiếu niên về tác hại của ma túy. Đồng thời, tăng cường các biện pháp giám sát của nhân dân trong cộng đồng dân cư. Động viên người dân tố giác tội phạm, phát động phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, nâng cao hiệu quả của hoạt động tự quản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy.
     Sáu là, tăng cường các hoạt động văn hóa để giải trí, vui chơi lành mạnh, bổ ích phù hợp với từng lứa tuổi, đồng thời quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, khắc phục tình trạng thiếu việc làm.
     Bảy là, có thể thấy, phòng chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng bất cứ cơ quan nào. Nó cần trở thành một phong trào quần chúng, mang tính chất rộng khắp để thực hiện có hiệu quả.        
     Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống tệ nạn ma túy.  Hàng năm cần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác phòng chống tệ nạn ma túy và các quy định pháp luật mới để cho Kiểm sát viên và cán bộ làm công tác hình sự. Liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án ở Trung ương cần thống nhất ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn nữa về xử lý các trường hợp sử dụng ma túy, nghiện ma túy và tội phạm về ma túy.
     Thiết nghĩ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy không những là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng Công an - Viện kiểm sát - Tòa án, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều cơ quan, tổ chức; đặc biệt là sự quan tâm và trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình; sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi cá nhân. Khi làm rõ được các nguyên nhân dẫn đến phạm tội và thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp, tin chắc rằng công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về ma túy sẽ có nhiều kết quả khả quan, hạn chế, ngăn chặn đến mức thấp nhất các tội phạm và tệ nạn về ma túy.

Tác giả bài viết: Văn Thể - Phòng TKTP&CNTT

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 14

Thành viên online : 2

Khách viếng thăm : 12


Hôm nayHôm nay : 3308

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 69568

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8392126

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến