23:21 EDT Thứ sáu, 26/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Thực trạng việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và phương hướng khắc phục

Thứ hai - 08/09/2014 21:46
Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một dạng đặc biệt của tố tụng hình sự, trong đó có sự giảm lược bớt một số khâu, một số thủ tục không cần thiết trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nhằm rút ngắn thủ tục tố tụng, làm cho việc xử lý vụ án được nhanh chóng hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
     Thủ tục rút gọn không phải là một thủ tục mới trong lịch sử lập pháp và áp dụng pháp luật ở nước ta. Từ năm 1974, ở nước ta đã có những văn bản quy định về thủ tục rút gọn và đã được áp dụng trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành chỉ thị số 954/CP ngày 17/8/1978 hướng dẫn việc điều tra theo thủ tục rút ngắn; Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư số 01 ngày 23/2/1975 hướng dẫn việc truy tố theo thủ tục rút ngắn; Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành thông tư số 10/TANDTC ngày 8/7/1974 hướng dẫn việc xét xử theo thủ tục rút ngắn.
     Nhằm thống nhất trong việc xác định loại án được áp dụng thủ tục rút gọn, Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành thông tư số 01/TTLN ngày 21/5/1985 hướng dẫn công tác điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút ngắn. 
     Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những quy định về thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng hình sự trước đó và thực tiễn áp dụng pháp luật. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định mới một chương riêng (chương XXXIV) gồm 7 điều luật (từ điều 318 đến điều 324) quy định về thủ tục rút gọn. Việc bổ sung thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là một sự cố gắng lớn, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện nay để tăng cường hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời vẫn bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân.
     Điều 319 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án hình sự chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
     1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;
     2. Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
     3. Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
     4. Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.
     Theo đó, thủ tục rút gọn được quy định cụ thể hơn, có thể được áp dụng khi vụ án đáp ứng đủ 4 điều kiện trên. Khi đã áp dụng thủ tục rút gọn quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi tố vụ án. Như vậy, quy định thời hạn áp dụng thủ tục rút gọn trong điều tra, truy tố, xét xử nhằm rút gọn quy trình điều tra, truy tố làm sao cho nhanh hơn những vẫn đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai.

     Thực tiễn việc áp dụng thủ tục rút gọn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
     Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, đã gây hậu quả không nhỏ cho xã hội và chưa có xu hướng giảm. Xuất phát từ tình hình trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phối hợp tốt với quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm và đạt được những kết quả nhất định. Việc áp dụng chế định thủ tục rút gọn quy định trong chương XXXIV Bộ luật tố tụng hình sự 2003 ban đầu được một số địa phương nhanh chóng áp dụng vì có tính tiến bộ, giúp xử lý án nhanh gọn, đơn giản, tuy nhiên đến nay, thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Kể từ khi thủ tục rút gọn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. có rất ít vụ án được xử lý theo thủ tục đặc biệt này. Việc áp dụng không những đã ít mà còn diễn ra lẻ tẻ, nơi có nơi không. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi Bộ luật TTHS 2003 có hiệu lực  đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình chỉ xét xử khoảng 20 vụ, một con số rất khiêm tốn so với lượng án hình sự khổng lồ (khoảng 500 vụ/01 năm) mà ngành Tòa án tỉnh Quảng Bình thụ lý. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, ngành Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Bình không xử một vụ nào theo thủ tục rút gọn. Điều này không phải nguyên nhân do ngành Tòa án né tránh việc xử các vụ án được truy tố theo thủ tục rút gọn. Vấn đề là ở chỗ  Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không khởi tố, truy tố theo thủ tục này. Với các vụ án có đủ điều kiện, nếu Cơ quan điều tra đề nghị , Viện kiểm sát xét thấy đủ điều kiện sẽ ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Vì vậy muốn xử một vụ rút gọn, trước tiên phải xuất phát từ Cơ quan điều tra và sự đồng ý của Viện kiểm sát, sau đó mới đến Tòa án.
     Việc ít áp dụng thủ tục rút gọn là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể một số vấn đề như thời gian giao cáo trạng, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử…, làm lúng túng khi thực hiên. Hơn nữa, cũng do thiếu quy chế phối hợp trong các vụ án rút gọn nên các cơ quan tố tụng chưa thể phối hợp chặt chẽ với nhau để áp dụng phổ biến thủ tục này. Có thể nêu lên một số nguyên nhân sau:
     Thứ nhất, có thể nhận thấy do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định cụ thể những vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định và áp dụng thủ tục này.
     Thứ hai, việc áp dụng quy định thủ tục rút gọn này nếu các quy trình trên diễn ra đồng bộ, khoa học thì việc kết thúc điều tra trong vòng 12 ngày không có gì khó. Thế nhưng thực tế cho thấy, để chờ kết quả định giá tài sản thì nhanh nhất cũng một tuần, chậm thì hai tuần, có khi kéo cả tháng, hoặc như việc xác minh tiền án, tiền sự của bị can, nếu là người địa phương cũng mất 1 tuần lễ, ở nơi khác thì cả tháng hoặc hơn. Bộ luật TTHS 2003 quy định tổng cộng thời gian điều tra, truy tố, xét xử án loại này chỉ gói gọn trong vòng một tháng, riêng thời hạn điều tra chỉ 12 ngày. Vì thế, Cơ quan điều tra khó bảo đảm được thời hạn 12 ngày theo luật định.
     Thứ ba, vấn đề khiến các cơ quan tố tụng “ngại” áp dụng thủ tục rút gọn do áp lực công việc, số lượng Điều tra viên mỏng trong khi có hàng loạt việc phải làm. Hơn nữa, giải quyết vụ này đan xen vụ khác, đồng thời các công tác hỗ trợ như định giá, ủy thác điều tra, cơ sở vật chất… còn mất nhiều thời gian và thiếu thốn nên chưa đáp ứng nhu cầu công việc được.
Một nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận là các cơ quan tố tụng sợ… bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Nhiều vụ điều tra kỹ lưỡng cả năm cuối cùng vẫn oan, trong khi việc điều tra, truy tố, xét xử án theo thủ tục rút gọn chỉ trong vòng một tháng nên cơ quan nào cũng “né” vì nếu làm nhanh, không kỹ thì rất dễ sai sót. Mặt khác, luật quy định về thủ tục rút gọn nhưng lại không bắt buộc phải áp dụng nên cơ quan tố tụng có thực hiện thủ tục này hay không cũng chắng sao cả.
     Liên quan đến những nội dung trên, một số quan điểm cho rằng nên mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn. Bởi lẽ, một số vụ án hình sự mặc dù bị cáo bị truy tố theo tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng nhưng nếu vụ án có đầy đủ các yếu tố như phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng…. thì cũng có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Theo luồng quan điểm này, mục đích của thủ tục rút gọn quy trình điều tra, truy tố làm sao cho nhanh hơn những vẫn đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai. Ở đây, khung hình phạt nặng hay nhẹ không đóng vai trò quyết định việc này. Hơn nữa, từ ngày 1-7-2009, tất cả các tòa cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đều được xử loại tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt đến 15 năm tù). Vì vậy, lượng án ở cấp huyện trong thời gian này sẽ rất nhiều, tại sao không mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn để giảm án và đẩy nhanh tốc độ giải quyết án?
     Một vấn đề khiến các Điều tra viên và Kiểm sát viên lúng túng khi áp dụng chế định thủ tục rút gọn, tại khoản 2, Điều 321 BLTTHS quy định: Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gữi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát. Vấn đề này lại mâu thuẫn với  Điều 162 của Bộ luật này. Tại khoản 1 của điều luật quy định: Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải làm bản kết luận điều tra. Như vậy rõ ràng mặc dù nói là rút gọn, nhưng thực chất thì chỉ rút gắn được về mặt thời gian giải quyết vụ án, rút gắn nội dung, cấu trúc cũng như thay đổi tên gọi của bản kết luận điều tra và bản cáo trạng còn lại các thủ tục tố tụng khác thì không có gì thay đổi. Với các quy định như vậy thì nên chăng khi sử dụng thuật ngữ “rút gọn” như trong Bộ luật TTHS cần sửa đổi theo hướng thủ tục “rút ngắn” là phù hợp hơn, mặc dù nghe từ rút ngắn có vẻ không hay bằng từ rút gọn.
 
     Phương hướng khắc phục.
     Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới để chế định thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự thực sự áp dụng có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan tư pháp trung ương cần thống nhất ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện và thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn, đồng thời quá trình triển khai thi hành đề nghị lưu ý một số vấn đề sau:
     - Cần tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 nhằm xác định cụ thể các loại tội phạm có thể áp dụng thủ tục rút gọn để có kế hoạch tổ chức, phân công tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục này cho phù hợp.
     - Khi xem xét, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án cụ thể, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải kiểm tra, xác minh đầy đủ, chính xác các điều kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thủ tục rút gọn, ngăn ngừa khả năng phải thay đổi để áp dụng theo thủ tục thông thường làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
     - Cần phân biệt rõ ba loại điều tra vụ án hình sự khác nhau được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, đó là: Điều tra vụ án hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự thông thường; Điều tra các vụ án hình sự do Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Lực lượng cảnh sát biển thực hiện; Điều tra vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn. Trên cơ sở đó, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự tuy không đủ căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn nhưng có thuận lợi trong việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải nhanh chóng kết thúc vụ án, không phụ thuộc vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về thời hạn đối với các vụ án bình thường.
     - Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng đối với việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm để giải quyết những vụ án mà người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang. Như vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn sẽ gắn liền với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về việc tham gia của người bào chữa. Theo đó, đối với các vụ án được tiến hành theo thủ tục rút gọn thì, sau khi có quyết định tạm giữ người phạm tội quả tang, Cơ quan điều tra phải thực hiện ngay các quy định của pháp luật liên quan đến người bào chữa, đó là những quy định khá khó khăn, phức tạp cho Cơ quan điều tra. Cần phải bổ sung quy định về việc Tòa án phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử trước mấy ngày trong thủ tục rút gọn.
     - Để việc áp dụng thủ tục rút gọn trở nên phổ biến thì cũng cần chú ý đến việc tăng cường Điều tra viên, xây dựng cơ sở vật chất, đồng bộ các công tác hỗ trợ điều tra khác như giám định pháp y, tư pháp, tài chính, về xác minh nhân thân bị can…    
     - Bên cạnh đó, cần không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các vụ án theo thủ tục này nhằm ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan, phiến diện có thể dẫn đến những sai lầm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án từ phía các cơ quan và người tiến hành tố tụng.

Tác giả bài viết: Cao Phạm Tuân - VKSND TP.Đồng Hới

Tổng số điểm của bài viết là: 59 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 23


Hôm nayHôm nay : 3543

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 100873

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8423431

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến