07:18 CAT Thứ sáu, 29/03/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Những vướng mắc, bất cập của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi từ thực tiễn công tác kiểm sát

Thứ sáu - 04/07/2014 09:57
Sau gần 02 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 01/12/2012). Đến nay, qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự theo chức năng của ngành, tôi nhận thấy có một số điều luật khi thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Đó là:
1/. Những quy định của BLTTDS sửa đổi chưa có văn bản hướng dẫn:
     - Về các biện pháp thu thập chứng cứ theo Điều 85 BLTTDS sửa đổi (Sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi-LSĐ): Việc Tòa án tiến hành xác minh tại chính quyền địa phương trong trường hợp vụ án có đương sự vắng mặt khỏi nơi cư trú có được xem là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ theo điểm g khoản 2 Điều 85 LSĐ hay không vì hiện nay có một số quan điểm khác nhau trong việc xác định như thế nào là thu thập chứng cứ theo Điều 85 LSĐ. Hầu hết, khi tiến hành một số biện pháp như trên Thẩm phán không ra quyết định theo khoản 3 Điều 85 LSĐ vì cho rằng đây không phải là hoạt động thu thập chứng cứ nên không chuyển hồ sơ để VKS cùng cấp tham gia phiên tòa. Một số quan điểm khác lại cho rằng đó là biện pháp thu thập chứng cứ nên phải tham gia phiên tòa, việc Tòa án không ra quyết định theo đúng khoản 3 Điều 85 LSĐ là do sự nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ nên VKS sẽ kiến nghị trong bản phát biểu.
     - Theo quy định tại Điều 88 LSĐ thì theo yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy khi lời khai các đương sự có mâu thuẫn và không thống nhất, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự và phải ghi thành biên bản. Thực tế quá trình giải quyết, nhiều vụ án Thẩm phán không tiến hành đối chất mà lập biên bản hòa giải không thành và đưa vụ án ra xét xử để vụ án không thuộc trường hợp VKS phải tham gia phiên tòa theo điểm a khoản 2 Điều 85 LSĐ. Vậy, việc làm này có vi phạm quy định tố tụng hay không.
     - Khoản 1 Điều 140 LSĐ quy định: Người yêu cầu định giá phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn việc thu nộp tiền chi phí định giá có được xem là tài liệu có liên quan đến việc giải quyết phải lưu theo hồ sơ vụ án hay không và phải nộp cho cơ quan, tổ chức nào cũng như việc xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá sau khi đã giải quyết xong vụ án. Thực tế, đương sự đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá nhưng hồ sơ không có tài liệu thu, nộp nên không xác định được mức tạm thu phí đã thực hiện và chi phí đã sử dụng như thế nào. Mặt khác, hầu hết khi xét xử, Tòa án không tuyên buộc vào trong bản án nghĩa vụ nộp chi tiền chi phí định giá đối với các bên đương sự theo quy định tại Điều 142 LSĐ.
     Như vậy, việc giải quyết và ra bản án như trên của Tòa án đã vi phạm thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của đương sự? Hướng xử lý như thế nào đối với chức năng kiểm sát?
     - Về việc gia hạn thời hạn xét xử: Điểm b khoản 1 Điều 179 LSĐ quy định, đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng chưa có hướng dẫn đối với mỗi vụ án được phép gia hạn bao nhiêu lần và buộc phải có căn cứ chứng minh để có thể gia hạn (tài liệu chứng minh do trở ngại khách quan). Do đó, có vụ án Tòa án chỉ gia hạn một lần nhưng cũng có vụ án Tòa án gia hạn từ hai lần trở lên. Trường hợp vụ án gia hạn vì lý do “tính chất phức tạp” nhưng trong thời gian gia hạn, Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết lại không tiến hành một số hoạt động nghiệp vụ nào (thủ tục gia hạn này thường bị lạm dụng đối với những vụ án đã thết thời hạn mà chưa có thời gian đưa vụ án ra xét xử). Như vậy, việc gia hạn này có đảm bảo đúng LSĐ hay chưa và cơ sở pháp lý để kiến nghị khắc phục.
     - Về thời hạn kháng nghị phúc thẩm: Theo quy định tại Điều 252 LSĐ về thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án là chưa hợp lý. Bởi lẽ, tại khoản 2 Điều 241 LSĐ thì thời hạn giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và VKS là 10 ngày kể từ ngày tuyên án.
     Thực tiễn công tác kiểm sát cho thấy, nhiều trường hợp VKS nhận bản án của Tòa cùng cấp vào ngày thứ 10 và ngày tiếp theo là ngày cuối tuần (T7, CN) hoặc thời điểm các ngày nghỉ lễ liên tục kéo dài, sau đó mới nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án cùng cấp chuyển đến dẫn tới việc tiếp xúc hồ sơ trong thời hạn kháng nghị chậm trễ, một số trường hợp VKS xét thấy phải xác minh, thu thập thêm chứng cứ, tài liệu để đảm bảo cho việc kháng nghị phúc thẩm sẽ không kịp về thời gian. Do đó, nên chăng cần sửa đổi Điều 252 theo hướng: “Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án” hoặc quy định “…thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Tòa án cùng cấp chuyển đến”.
     - Về thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú: Điều 327 LSĐ chưa quy định rõ thời hạn thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là bao nhiêu ngày nên có trường hợp ngay sau khi thông báo vừa đăng tải theo quy định tại khoản 1 Điều 328 LSĐ thì người yêu cầu liền có đơn khởi kiện vụ án dân sự đến Tòa án và được thụ lý ngay nhưng có Tòa án lại chưa thụ lý. Có trường hợp đương sự vừa làm thủ tục nhắn tin tìm kiếm vừa có đơn khởi kiện đến Tòa án nhưng vẫn được thụ lý giải quyết. Một số Tòa án địa phương thông báo nhắn tin tìm kiếm trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo, có Tòa án lại thông báo trong thời hạn hai tháng hoặc kéo dài hơn.
2/. Những quy định của BLTTDS sửa đổi đã được Thông tư liên tịch số 04 ngày 01/8/2012 của VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện nhưng trong thực tiễn áp dụng vẫn còn vướng mắc, chưa thống nhất. Cụ thể:
     - Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 TTLT số 04 ngày 01/8/2012 của VKSNDTC-TANDTC thì VKS có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng theo quy định tại khoản 4 Điều 85 LSĐ nhưng chưa quy định cụ thể về thời hạn cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cung cấp. Nếu áp dụng thời hạn cung cấp tài liệu theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 4 TTLT số 04 là 15 ngày sẽ không phù hợp vì trong trường hợp VKS thu thập chứng cứ, tài liệu để kháng nghị phúc thẩm thì thời hạn này bằng với thời hạn kháng nghị của VKS quy định tại khoản 1 Điều 252 LSĐ. Trong khi luật chưa có quy định VKS được quyền kháng nghị quá hạn trong trường hợp vì lý do khách quan.
     - Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 TTLT số 04 thì khi tuyên án tại phòng xử án, HĐXX phải nêu các lý do chấp nhận hoặc không chấp nhận kiến nghị khắc phục các vi phạm về thủ tục tố tụng của Kiểm sát viên (theo Bản phát biểu tại phiên tòa). Thực tiễn Tòa án không đưa nội dung kiến nghị của Kiểm sát viên vào việc thảo luận khi nghị án và cũng không thông qua tại phòng xử án (tức không đưa vào trong nội dung bản án được tuyên). Như vậy, việc làm này của HĐXX chưa đúng hướng dẫn của TTLT số 04 nên hướng xử lý như thế nào, VKS có quyền Kháng nghị hay chỉ Kiến nghị?
 
     Trên đây là một số vướng mắc, bất cập của LSĐ từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Đề nghị liên ngành trung ương cần có hướng dẫn kịp thời để các cơ quan tố tụng địa phương thực hiện được thống nhất./.

Tác giả bài viết: Đinh Văn Phúc - VKSBT

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 25


Hôm nayHôm nay : 2183

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 121586

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8308516

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến