16:50 EDT Thứ năm, 25/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Một số vướng mắc và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết án hành chính

Thứ sáu - 13/06/2014 03:28
Luật Tố tụng hành chính (TTHC) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, mặc dù là lĩnh vực mới theo Luật TTHC, song nhờ sự quan tâm hướng dẫn của phòng nghiệp vụ cấp trên, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo đơn vị và trách nhiệm của Kiểm sát viên được phân công kiểm sát nên đến nay, công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính ở VKSND huyện Bố Trạch đã đạt được những kết quả tích cực
1/. Tình hình chung:
Năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện Luật TTHC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2012), VKS Bố Trạch thụ lý và kiểm sát 08 vụ (đã giải quyết 08), năm 2013 có 04 vụ (đã giải quyết 04), 06 tháng đầu năm 2014 có 02 vụ hành chính và 02 vụ yêu cầu hủy, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thụ lý theo thủ tục tại Điều 32a BLTTDS
Đến nay, hầu hết các vụ án hành chính ở Bố Trạch có nội dung khởi kiện chủ yếu về lĩnh vực quản lý đất đai như: khởi kiện việc cấp mới, cấp bổ sung; việc bồi thường giá trị đất và thiệt hại tài sản trên đất; việc cưỡng chế thu hồi đất; việc ban hành quyết định xử phạt hành chính...mà theo người khởi kiện là do các cơ quan hành chính nhà nước hai cấp ở Bố Trạch chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục làm thiệt hại đến tài sản và ảnh hưởng đến đời sống lao động, sinh hoạt của họ dẫn tới việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hành chính:
Từ thực tiễn các vụ án hành chính đã kiểm sát, thấy có một số khó khăn, trở ngại nhất định như sau:
Trước hết, đó là tư tưởng, nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của một số người dân còn hạn chế, nhiều vụ việc đã được cơ quan quản lý hành chính các cấp giải quyết phù hợp nhưng người dân chưa thực sự đồng tình, thỏa mãn vì họ cho rằng quyền lợi của mình chưa được bảo vệ đầy đủ dẫn tới việc khiếu nại, khiếu kiện.
Thứ hai, công tác quản lý đất đai thời gian qua ở một số địa phương chưa thực sự tốt, sự biến động về đất đai, sự thay đổi, điều chỉnh về cách thức quản lý, lưu trữ tài liệu và việc bố trí cán bộ chuyên môn ở các địa phương trước đây chưa ổn định dẫn tới hồ sơ, tài liệu gốc không đầy đủ, thậm chí có sai sót về số liệu, diện tích…nên khi tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ để giải quyết của các cơ quan tố tụng gặp khó khăn, thiếu cơ sở khoa học. Khó khăn nhất vẫn là các vụ án có nội dung khiếu kiện việc bồi thường thiếu các hạng mục, tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ, nhiều vụ việc xảy ra lâu, qua nhiều thời gian, mặt bằng, hiện trạng đã bị giải tỏa, thay đổi, các tài sản, hạng mục trên hiện trường không còn tìm thấy được nên khó có cơ sở để thẩm định, đối chiếu...
Thứ ba, việc tổ chức hòa giải các tranh chấp về đất đai ở một số địa phương cơ sở chưa thực sự "đạt chuẩn", chưa đi đúng hướng để tìm ra nguyên nhân của tranh chấp nên việc giải quyết thường không đạt kết quả cao dẫn tới việc khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần, vượt cấp đến các cơ quan có thẩm quyền gây tốn kém, lãng phí cho các cơ quan nhà nước và cả công dân khiếu kiện.
Thứ tư, việc nộp đơn và hồ sơ khởi kiện của công dân tại Tòa án hiện nay vẫn còn những khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân là do cán bộ được phân công tiếp nhận đơn chưa thành thạo trong việc thụ lý loại án này dẫn tới hồ sơ khởi kiện kéo dài thời hạn thụ lý, chưa đúng quy định tại Điều 111 Luật TTHC.
Thực tế một số vụ án qua kiểm sát hồ sơ để tham gia phiên tòa, KSV mới biết trước đó Tòa án có thủ tục trả lại đơn khởi kiện cho đương sự nhưng không gửi thông báo cho VKS cùng cấp để tiến hành kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Luật TTHC. Mặt khác, đương sự cũng không hiểu biết pháp luật để khiếu nại đến VKS dẫn tới VKS không phát hiện kịp thời vi phạm để yêu cầu Tòa án khắc phục (trong trường hợp xét thấy việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án chưa đúng căn cứ), ít nhiều ảnh hưởng tới quyền khởi kiện đến Tòa án của công dân. Những vi phạm này đã được KSV đưa vào phần đánh giá việc chấp hành pháp luật tố tụng của Tòa án trong Bản phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm để kiến nghị khắc phục, song xét thấy tính phòng ngừa vi phạm chưa kịp thời.
Thứ năm, một số vụ án hành chính thường có nội dung khiếu kiện phức tạp, người khởi kiện thường là những “chủ thể thường” với bên bị kiện là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước “chủ thể đặc biệt” dẫn tới việc giải quyết vụ án còn gặp khó khăn, có tâm lý ngại va chạm, né tránh. Mặt khác, hầu hết người đại diện theo pháp luật của bên bị kiện không trực tiếp tham gia tại Tòa án mà ủy quyền lại cho cán bộ cấp dưới đại diện tham gia tố tụng, trong khi những người được ủy quyền không phải là người đã ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính có liên quan và không có thẩm quyền quyết định với các nội dung của người khởi kiện. Thậm chí, người đại diện theo ủy quyền có tâm lý ngại tham gia trình bày tại phiên tòa nên thường có đơn xin xử vắng mặt dẫn tới khó khăn trong việc tổ chức đối thoại, thỏa thuận, lấy lời khai và hoạt động thu thập chứng cứ, xét hỏi, đối chất tại phiên tòa, một số vụ án vì vậy phải gia hạn thời hạn xét xử, hoãn phiên tòa nhiều lần. Về vấn đề này, quan điểm người viết nên chăng trong thời gian tới cần có văn bản quy định riêng hạn chế việc ủy quyền trong các vụ án hành chính nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm tham gia tố tụng của người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị kiện để cùng tham gia đối thoại với người dân, góp phần tìm ra “tiếng nói chung” giúp việc giải quyết các vụ án được thực hiện nhanh chóng, tạo niềm tin cho người dân…
Thứ sáu, sự nhận thức và vận dụng pháp luật giữa các cơ quan tố tụng hiện nay đôi lúc vẫn có sự trái chiều, chưa đồng nhất nên khi thực hiện một số hoạt động tố tụng còn gặp những lúng túng, sai sót.
Thứ bảy, một số quy định của Luật TTHC và văn bản dưới luật (như Nghị quyết, TTLT) được ban hành song nội dung chưa hướng dẫn hết các điều luật có liên quan (như chưa có hướng dẫn về thủ tục đối thoại trong TTHC; về thời hiệu khởi kiện hành chính là 01 năm kể từ khi biết được quyết định hoặc hành vi hành chính có vi phạm nhưng sau khi khởi kiện tại Tòa án, đang trong thời hạn giải quyết người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì thời hiệu 01 năm được tính lại như thế nào…) dẫn tới không tránh khỏi những vướng mắc khi áp dụng.
3/. Một số giải pháp trong kiểm sát giải quyết án hành chính:
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, tôi nhận thấy dựa trên một số kinh nghiệm và giải pháp căn bản sau:
Trước hết, hoạt động kiểm sát phải chủ động thực hiện ngay từ quá trình tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện (kể cả trường hợp trả lại đơn kiện) đến xuyên suốt quá trình giải quyết, kết thúc vụ án và việc thi hành bản án nhằm hạn chế và ngăn ngừa đến mức thấp nhất những vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Với các quyền năng của VKSND như kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu sẽ có tác động tích cực và hiệu quả tới các hoạt động của các cơ quan tố tụng có liên quan, từ đó góp phần cho các hoạt động tố tụng hành chính được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng quy trình tố tụng cũng như việc ban hành các bản án, quyết định được chính xác, khách quan, đầy đủ, và có căn cứ, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân khi có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, đó là phát huy và tăng cường phối hợp chặt chẻ, có hiệu quả giữa hai ngành Viện kiểm sát - Tòa án các cấp, đặc biệt ở cấp sơ thẩm, giữa các Kiểm sát viên - Thẩm phán và cán bộ giúp việc được phân công thụ lý, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, đúng quy định pháp luật và đúng với Quy chế phối hợp của các đơn vị địa phương (nếu có). Mỗi Kiểm sát viên, Thẩm phán được giao nhiệm vụ phải bám sát và thực hiện đúng các quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn có liên quan, chủ động và kịp thời nghiên cứu, trao đổi, góp ý, bổ sung cho nhau những vướng mắc, thiếu sót trong hoạt động giải quyết các vụ án trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử... Qua đó, những vi phạm pháp luật, những thiếu sót sẽ được kịp thời phát hiện và khắc phục, đảm bảo cho việc xét xử và ban hành bản án có tính căn cứ và thi hành được trong thực tiễn.
Thứ ba, đó là phải có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, mối quan hệ thông tin hai chiều giữa KSV cấp huyện và KSV phòng nghiệp vụ cấp trên nhằm thúc đẩy công tác kiểm sát giải quyết án hành chính được thực hiện chặt chẻ, đúng quy chế nghiệp vụ, từng bước phát huy vai trò và vị thế của ngành kiểm sát đối với hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính ở địa phương.
Thứ tư, đối với những vụ án xác định có sai phạm hoặc thiếu sót của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các cơ quan tố tụng cần mạnh dạn kiến nghị vào trong bản án hoặc tập hợp ban hành kiến nghị rút kinh nghiệm chung để các cơ quan hành chính các cấp nâng cao công tác quản lý, kịp thời chẩn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót có thể xảy ra về sau, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện hành chính ở địa phương. Mặt khác, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực hành chính, đất đai, dân sự, hôn nhân&gia đình… nhằm nâng cao nhận thực và hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, qua đó đề cao vai trò giám sát của người dân đối với các quyết định và hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Thứ năm, xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính là lĩnh vực khó khăn, phức tạp do có sự tác động đến chính quyền địa phương các cấp nên mỗi KSV, cán bộ được phân công phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động nghiệp vụ. Không ngừng cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật để vận dụng có hiệu quả vào chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng khả năng giải quyết tốt các vụ án. Phát hiện đầy đủ và chính xác các dạng vi phạm, tồn tại để tùy theo mức độ vi phạm tập hợp đề xuất lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị, kiến nghị theo thẩm quyền, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm, thiếu sót kéo dài, góp phần cho việc giải quyết các vụ án hành chính của các cơ quan tố tụng được khách quan, với tinh thần bảo vệ đúng, đầy đủ lợi ích nhà nước và các lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng được sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của công dân đối với các cơ quan tư pháp./.

Tác giả bài viết: Đinh Văn Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 92

Máy chủ tìm kiếm : 76

Khách viếng thăm : 16


Hôm nayHôm nay : 5447

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 95655

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8418213

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến