01:40 EST Chủ nhật, 08/12/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Một số vấn đề cần lưu ý khi xác định tội danh Giết người

Thứ năm - 19/10/2023 22:18
Trong những năm vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tấn công mạnh mẽ, xử lý có hiệu quả vào các loại tội phạm hình sự nói chung và tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác nói riêng, góp phần to lớn trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, tính mạng sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân giữ gìn và bảo đảm tình hình trật tự trị an, ổn định tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
 
Theo báo cáo tổng kết của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình từ 01/01/2020 đến 30/9/2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra 3.527 vụ/4.868 bị can phạm pháp hình sự. Trong đó các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể: đối với tội Giết người trong kỳ đã xảy ra  34 vụ/34 bị can; Tuy nhiên hậu quả chết người thực tế: 06 người; số còn lại 28 bị hại bị thương nhưng qua kết luận giám định các “vết thương có nguy hiểm cho tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời”. Qua phân tích, hầu hết các vụ án giết người xảy ra đều có tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Phần lớn hành vi phạm tội giết người chủ yếu là do nguyên nhân xã hội, xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát. Điều đáng nói là trong những vụ án giết người nạn nhân lại chính là những người thân hoặc bạn bè, hàng xóm của người sát hại. Các đối tượng thực hiện hành vi sau khi sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy nên không kiềm chế, kiểm soát được hành vi của bản thân. Ngoài tội phạm giết người, các tội phạm đe dọa giết người, tội phạm về gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cũng xảy ra và được các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh.

Thời gian gần đây, một số cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đang lúng túng khi vận dụng án lệ 47/2021/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao để điều tra, xử lý đối với các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, khó khăn trong việc phân biệt giữa các tội phạm như Giết người, Cố ý gây thương tích, hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vv... Mặc dù mới đây Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023, TAND tối cao đã có hướng dẫn trong việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL “Về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại” Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng vào tình huống cụ thể ở mỗi địa phương vẫn chưa được triển khai toàn diện.
Cụ thể, việc áp dụng “tình huống pháp lý tương tự” mà án lệ số 47/2021/AL ngày 25/11/2021, nội dung án lệ nêu ra có 3 đặc trưng đó là: Người bị buộc tội dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại; Hành vi của người bị buộc tội phải có tính chất côn đồ và nạn nhân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người bị buộc tội. Do đó, đối với những vụ án trên hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã áp dụng tinh thần án lệ số 47/2021 vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về tội “Giết người”.
 
Trong quá trình thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra các vụ Giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:
 
           Thứ nhất, Đối với tội “Giết người” khi xét 1 trong 3 đặc trưng của tình huống pháp lý tại án lệ số 47/2021/AL nêu phần trên, việc chứng minh “Nạn nhân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người bị buộc tội” là khó khăn hơn cả và dễ mắc phải sai lầm. Việc đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều quan điểm khác nhau của hành vi như: vị trí tấn công; công cụ, phương tiện sử dụng; cường độ, tính chất quyết liệt; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; động cơ, mục đích… và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Mặt khác, việc định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích và tội giết người, áp dụng các tình tiết định khung, tăng nặng “Có tính chất côn đồ” trong các vụ án đôi khi còn còn nhiều quan điểm khác nhau và phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan về đánh giá chứng cứ của những người tiến hành tố tụng.
           Thứ hai, đối với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, đây là tình tiết định khung cơ bản, khung tăng nặng của một số loại tội phạm được quy định tại BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuy nhiên hiện chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, do đó thực tiễn còn nhiều địa phương áp dụng khác nhau để xử lý đối với loại tội phạm này, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng thống nhất đường lối xử lý.
          Thứ ba: Việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật về giám định và trưng cầu giám định tâm thần, quy định về bắt buộc chữa bệnh tâm thần và quản lý đối tượng thuộc diện bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo Luật người khuyết tật năm 2010 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đến nay vẫn chưa thống nhất nên không ít đối tượng giết người hoặc thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tâm thần. Sau khi có kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan chuyên môn, Cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý ra Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và ra Quyết định bắt buộc chữa bệnh (theo quy định tại Nghị định 64/2011/NĐ - CP ngày 29/7/2011 của Chính phủ quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Điều 454 Bộ luật tố tụng hình sự 2015). Sau thời gian bắt buộc chữa bệnh tập trung. Nếu bệnh nhân đã ổn định, thì cơ quan thụ lý ra Quyết định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh và giao cho gia đình quản lý điều trị tại địa phương. Do chưa có cơ chế quản  lý chặt chẽ, việc điều trị không đảm bảo không thường xuyên nên tình trạng bệnh tái phát. Khi tái hòa nhập cộng động, đối tượng lại tiếp tục thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội, nghiêm trọng hơn ra tay gây thương tích hoặc sát hại ngay chính người thân của mình.
 
          Một số kiến nghị
 
           Một là, các cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm Giết người và xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, bên cạnh đó còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người, nhất là việc trang bị kiến thức về kỹ năng sống, cách giải quyết mâu thuẫn nảy sinh. Các mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân phải được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở.
           Hai là, tăng cường phối hợp trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng phạm tội có tính chất côn đồ, tội phạm có tổ chức, các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bên cạnh việc phát hiện ngăn chặn và xử lý cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để xét xử lưu động các vụ án giết người, cố ý gây thương tích vv…nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân.
          Ba là, đề xuất liên ngành tư pháp Trung ương sớm hướng dẫn cụ thể các khái niệm như: tinh thần án lệ số 47/2021/AL về việc chứng minh “Nạn nhân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người bị buộc tội”; thế nào là “Có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết“gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Cần làm rõ tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm e, khoản 1, Điều 51 BLHS 2015 vềPhạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” làm rõ như thế nào là hành vi trái pháp luật của nạn nhân với hành vi trái  pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân để từ đó phân biệt định tội danh với các tội phạm quy định tại Điều 124, 135 Bộ luật hình sự.
          Bốn là, cần thiết ban hành quy định đối với đối tượng thuộc diện bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo thủ tục tố tụng hình sự, Cơ sở chữa bệnh phải theo dõi nghiêm ngặt và có biện pháp tiếp tục kéo dài thời hạn theo dõi diễn biến bệnh nhân để đảm bảo khi bệnh nhân ổn định, có khả năng tái hòa nhập cộng đồng Cơ quan tố tụng mới ra quyết định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái phạm và tính nguy hiểm cho xã hội./.

Tác giả bài viết: Cao Phạm Tuân_P2

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

VKSND tối cao
Thư điện tử công vụ
Quản lý văn bản
Chuyển đổi số
An toàn ANTT
kiểm sát online
Bảo vệ pháp luật
Bộ pháp điển

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 123


Hôm nayHôm nay : 5190

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 54634

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10241338

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến