11:52 CAT Thứ sáu, 29/03/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Một số giải pháp, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án ma tuý loại Methamphetamine dạng đá

Thứ ba - 15/07/2014 05:45
Trong những năm vừa qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có những chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, tình hình mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép chất ma túy vẫn chưa giảm, diễn ra ngày một phức tạp, thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, nhưng tập trung hơn cả ở tầng lớp thanh thiếu niên, những người lao động tự do hoặc không có công việc ổn định.
     Tội phạm về ma tuý là nguyên nhân dẫn đến một số tội phạm khác như: Trộm cắp, Cướp tài sản, Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý gây thương tích vv...  Không những thế, ma tuý còn là nguyên nhân làm suy thoái giống nòi, cũng là nguyên nhân gây ra căn bệnh thế kỷ đại dịch HIV – AIS thông qua con đường tiêm chích ma tuý đang lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội.
     Đặc biệt thời gian gần đây, xuất hiện nhiều loại ma tuý tổng hợp, phổ biến là ma tuý loại Methamphetamine dạng đá. Ma tuý có tính hướng thần, gây ảo giác cao, làm cho người nghiện tò mò hoặc do trước đây đã sử dụng ma tuý thể rắn, lỏng qua đường tiêm, chích, hít thì nay lại chuyển sang dùng ma tuý đá càng nhiều. Ma túy "đá" có thể khiến cho người sử dụng nó có thể thức suốt 3-4 ngày, không có cảm giác thèm ăn. Bởi vì, nó được sản xuất từ ephedrine, một chất thường có trong thuốc giảm cân. Sự u mê của người dùng chất độc này, khiến họ làm những việc mà khi tỉnh họ không bao giờ dám làm như: Nhảy từ trên cao xuống đất, chạy xe với tốc độ rất cao, hoặc rạch dao vào chính da thịt của mình. Đây là loại bột trắng được giới trẻ các nước phương Tây sử dụng khá phổ biến vào cuối thập niên 90. Nó du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 21, nhưng vẫn chưa phổ biến vì công thức pha chế chưa được nhiều người biết đến. Từ đầu năm 2010 trở lại đây việc sử dụng loại ma túy này trên địa bàn thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình ngày càng phổ biến và đến mức báo động, nhất là tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, không những thế đã nhanh chóng xâm nhập vào những vùng nông thôn.
     Theo số liệu thống kê, án ma tuý trên địa bàn (từ ngày 01/6/2010 đến 31/5/2014) đã làm rõ khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử: 97 vụ/128 bị cáo phạm tội về ma túy nói chung, trong đó các vụ án liên quan đến ma tuý loại Methamphetamine dạng đá có 21 vụ/26 bị cáo (chiếm 21,6% số vụ và 20,3% số bị cáo so với tổng số vụ án, bị cáo bị đưa ra xét xử). Người phạm tội ma túy nói chung ở nhiều lứa tuổi, nhưng chiếm phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 chiếm 65,2%; Từ 30 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ khá cao 24%; từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 10,3%; từ 14 đến dưới 16 tuổi chiếm 0,4%.
     Đã phát hiện một số đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tổng hợp có yếu tố nước ngoài  chủ yếu từ biên giới Việt – Lào, qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vận chuyển về Quảng Bình. Phát hiện 02 trường hợp trồng cây có chứa chất ma túy ở Bắc Lý, Đồng Hới, các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc. Tình trạng mua bán lẻ và sử dụng chất ma túy diễn ra nhiều; một số tụ điểm hoạt động diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.  Qua đó, cho thấy tình hình tội phạm ma tuý nói chung, ma tuý loại Methamphetamine dạng đá nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng tăng về số lượng và cả tính chất nguy hiểm.
     Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án ma túy nói riêng, Lãnh đạo đơn vị đã chủ động phân công các Kiểm sát viên, chuyên viên có đủ năng lực, trình độ nắm bắt ngay từ khâu tố giác, tin báo về tội phạm. Đã có sự chỉ đạo sâu sát, phối hợp với Cơ quan điều tra và một số cơ quan liên quan nhằm nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá, bắt giữ các đối tượng phạm tội. Thực hiện nghiêm chỉnh thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Quy chế về công tác THQCT – KSĐT, KSXX các vụ án hình sự. Theo đó, đã kiểm sát chặt chẽ các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra đến giai đoạn xét xử các vụ án ma tuý.
     Đơn vị đã phối hợp Liên ngành xác định những vụ án ma tuý được dư luận quan tâm đưa vào diện án trọng điểm để điều tra, truy tố nhanh và đưa ra xét xử lưu động 12 vụ/15 bị cáo phạm tội có liên quan đến ma tuý loại Methamphetamine  dạng đá. Các vụ án đã xét xử các tội phạm về ma túy đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc về hành vi của mình gây ra, cũng như giáo dục, răn đe chung và được dư luận đồng tình ủng hộ
     Tuy nhiên,qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án ma tuý thấy có một số khó khăn vướng mắc cơ bản như sau :
     - Trong những năm gần đây tình hình phát triển kinh tế xã hội ngày một gia tăng thì mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tội phạm ma túy. Với lợi nhuận to lớn do ma tuý đem lại, nhiều đối tượng đã liều lĩnh lao vào con đường phạm tội, có đối tượng phạm tội nhiều lần, có nhân thân xấu... Để trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng và sự trừng phạt của pháp luật, các đối tượng tội phạm ma tuý luôn nghĩ ra các hình thức cất giấu, vận chuyển, mua bán, tàng trữ loại “hàng” này bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt mà bình thường khó ai có thể hình dung ra được. Có sự đan xen, liên kết giữa tội phạm ma túy với tội phạm hình sự, kinh tế; đồng thời chúng còn lợi dụng các ứng dụng trong khoa học công nghệ nên làm cho công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng phạm tội trong thành phố có chiều hướng liên lạc với những đối tượng ngoài thành phố, ngoài tỉnh để đưa ma túy vào để tiêu thụ.
     Việc tàng trử để sử dụng ma tuý đá bằng những công cụ tự chế đơn giản hoặc các công cụ được bày bán từ nguồn gốc nước ngoài vào mang tính phổ biến.
     - Các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ma túy chưa phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội nên việc đấu tranh, phòng ngừa nhiều khi chưa đạt hiệu quả. Đặc biệt từ khi Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bỏ tội “Sử dụng trái phép chất ma túy” thì những đối tượng nghiện nhiều khi sử dụng ma túy không còn e dè như trước mà có chiều hướng sử dụng công khai. Thông tư liên tich số 17//2007 ngày 24/12/2007 và Nghị Quyết số 02/2002 hướng dẫn về các tội phạm về ma tuý chưa thống nhất trong thuật ngữ “Góp mua” và “Nhờ mua hộ” ma tuý để sử dụng nên một số vụ việc khi xác định tội danh và đối tượng phạm tội tại địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
     - Đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tệ nạn ma túy chưa đáp ứng được tình hình. Đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến những vụ án liên quan đến ma túy (án có đối tượng nghiện phạm tội trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích vv…), trình độ nghiệp vụ, chuyên môn một số cán bộ còn hạn chế trong công tác dẫn đến công tác đấu tranh, phòng chống nhiều khi chưa đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế diễn ra.
     - Trang bị vật chất, chế độ đối với những người làm công tác liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy chưa đảm bảo, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Đặc biệt là những dạng ma túy mới được ngụy trang ở những hàng hóa hoặc dược liệu, việc quản lý trang thiết bị y tế chưa được xiết chặt dẫn đến các đối tượng nghiện dễ dàng mua để sử dụng như: bơm kim tiêm, nước cất, và các công cụ tự chế để sử dụng ma túy đá. Chưa có biện pháp hữu hiệu đề phát hiện, giám định kịp thời.
     - Các cơ quan hữu quan chưa đề ra được phương án phù hợp để những người nghiện tại địa phương đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện, chưa có những công trình tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng đi cai nghiện về dẫn đến họ tái nghiện trở lại.
     - Công tác tuyên truyền chưa đáp ứng thực tế, chủ yếu nêu lên sự việc. Việc tuyên truyền qua các thông tin đại chúng, qua các phiên tòa lưu động đã được chú trọng tuy nhiên vẫn chưa có tác dụng hiệu quả đến nhận thức suy nghĩ cũng như lối sống của những tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay.
     * Một số giải pháp, đề xuất:
     - Quá trình điều tra xử lý các tội phạm ma túy đòi hỏi Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với CQĐT trong việc áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của tố tụng hình sự để tiến hành điều tra, khám phá có hiệu quả. KSV phải chủ động nắm tiến độ, thời hạn điều tra cũng như kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra của CQĐT như: khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, hỏi cung bị can, khám xét , các biện pháp ngăn chặn vv...        
     - Cần phải làm sáng tỏ những yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt là nhận định và phân biệt rõ hành vi nào là “tàng trữ”, hành vi nào là “vận chuyên” hoặc “mua bán” trái phép chất ma túy để có căn cứ khởi tố ban đầu chính xác. Những mâu thuẫn trong lời khai của bị can phải được phân tích, tổng hợp, kết luận một cách khách quan.
     - Hoạt động khám nghiệm hiện trường và biên bản bắt người phạm tội quả tang có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động điều tra các vụ án về ma túy, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm cao. Vì vậy, cần nêu cao trách nhiệm của VKSND là phải chủ động phát hiện các vấn đề cần tiến hành khi khám nghiệm hiện trường và phải giám định.
     - Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp trên cần có kế hoạch tập huấn về nghiệp vụ đối với công tác THQCT và KSĐT về loại án ma túy, thông qua đó giải đáp các vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật cũng như tổng hợp đề nghị với cơ quan cấp trên có hướng dẫn thực hiện kịp thời.
     - Cần tổ chức xét xử nhiều phiên tòa lưu động và phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp về ma túy, qua đó rút kinh nghiệm, nhân rộng những đơn vị làm tốt công tác này để các đơn vị khác học hỏi. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy, tăng cường các cuộc giao ban trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết vụ việc và điều tra bắt giữ đối tượng, không để hình thành các đường dây tội phạm mới.
     - Cần đầu tư, trang bị những máy móc hiện đại nhằm phát hiện các thủ đoạn cất giấu, vận chuyển ma tuý tinh vi. Phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan chức năng có liên quan như Sở lao động TBXH về vấn đề Trung tâm cai nghiện để phát huy hiệu quả công tác giáo dục cai nghiện.
     - Kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan về vấn đề tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng đối với những người sau khi cai nghiện về như tạo việc làm, hổ trợ giúp đỡ khi gặp khó khăn, động viên vượt qua những vấn đề trong cuộc sống để họ không tái nghiện trở lại. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn và kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí cho Chương trình phòng chống ma túy hàng năm. Có chế độ động viên thỏa đáng lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và những người không hưởng lương có thành tích tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy.

Tác giả bài viết: Cao Phạm Tuân - VKSND TP.ĐH

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 21


Hôm nayHôm nay : 3434

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 122837

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8309767

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến