16:02 EDT Thứ sáu, 26/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

Thứ tư - 25/06/2014 21:12
Theo quy định chung của pháp luật thì người chưa thành niên là những người chưa đủ 18 tuổi. Tại Điều 12 Bộ luật hình sự quy định thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm
người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như chúng ta đã biết, phần lớn tất cả những người ở trong độ tuổi này đều là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc đang học nghề để tích lũy kiến thức, trang bị cho mình “hành trang” bước vào đời để tự mình nuôi sống bản thân, đóng góp cho xã hội và góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
Đứng trước sự phát triển về kinh tế, xã hội ngày càng cao, cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng, đã tạo rất nhiều cơ hội cho tất cả mọi người trong đó có những người chưa thành niên, đồng thời cũng có rất nhiều thách thức đặt ra đối với mỗi chúng ta, trong đó tình hình tội phạm nói chung ngày càng phức tạp và người chưa thành niên phạm tội nói riêng ngày càng gia tăng.
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ án do những người dưới 18 tuổi gây ra, trong đó có những vụ án rất nghiêm trọng. Nổi bật, như vụ án Lê Văn Luyện gây ra vụ giết người, cướp của kinh hoàng tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn - Phương Sơn - Lục Nam - Bắc Giang) vào rạng sáng ngày 24/8/2011. Địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay cũng đứng trước tình hình chung như cả nước, người chưa thành niên thực hiện các hành vi tội phạm có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng, nhất là các tội Cướp tài sản, Cướp giật tài sản, các tội về ma túy... Điển hình, gần đây xảy ra vụ án: Khoảng 23h30 phút ngày 20/3/2014 Nguyễn Hoàng Quân, Đinh Tiến Đức và Nguyễn Mạnh Cường đều sinh năm 1997 và đều là học sinh lớp 11 Trường THPT Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình, với suy nghĩ ra đường Hồ Chí Minh "ném đá vào xe ô tô cho vui". Cả ba người cầm theo gạch, đá đi ra đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới. Quân đặt một đoạn tre chắn giữa đường để xe ô tô đi chậm lại, rồi cùng đồng bọn dùng gạch đá ném vào xe đi đường. Đến 23h40 phút cùng ngày, khi xe ô tô khách BKS 17B- 00259 của Công ty TNHH Thiên Hoàng Hải, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình do anh Vũ Văn Vinh điều khiển chạy hướng Nam - Bắc đến địa điểm trên phát hiện có chướng ngại vật, anh Vinh giảm tốc độ để tránh thì bị cả nhóm dùng gạch đá ném vào xe làm vở kính chiếu hậu và kính hông bên trái, thiệt hại 15.600.000 đồng.
Qua thực tiễn công tác và nghiên cứu các vụ án đã xảy ra, thấy các nguyên nhân chủ yếu đưa đẩy người chưa thành niên phạm tội như sau:
Thứ nhất: Trước tiên là do độ tuổi của những người chưa thành niên chưa được chính chắn, nhận thức về hành vi chưa đầy đủ, chưa biết những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra tác hại như thế nào cho xã hội. Tâm sinh lý ở độ tuổi này bồng bột, muốn thể hiện mình, muốn phiêu lưu nhưng lại không nhận thức đúng đắn dẫn đến vi phạm pháp luật, đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên làm cho tình hình tội phạm của người chưa thành niên gia tăng.
Thứ hai: Về mặt xã hội mà nói, ở lứa tuổi này muốn vui chơi, giải trí nhưng hiện nay công viên, câu lạc bộ, các điểm vui chơi lành mạnh còn ít, chưa đáp ứng được với sự phát triển của xã hội cả về số lượng, hình thức và chất lượng nên đôi khi có xu hướng vui chơi quá đà, không có định hướng dẫn đến vi phạm pháp luật, đặc biệt là lứa tuổi từ 14 - 16 tuổi.
Thứ ba: Đứng trước sự hội nhập quốc tê trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa và công nghệ thông tin thời hiện đại (Internet) cung cấp rất nhiều thông tin trong đó có những thông tin không lành mạnh, có nội dung đồi trụy, nhưng trang web khiêu dâm, VCD, truyện (đặc biệt là truyện dành cho thanh thiếu niên) có nội dung không lành mạnh... đầy rẫy trên thị trường và trên internet. Những người chưa thành niên khi tiếp cận những thông tin này không thể chọn lọc được nội dung có ích hay không nên đã ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, lối sống, suy nghĩ dẫn đến hành động sai lầm.
Thứ tư: Nhiều người chưa thành niên không có nhà cửa, bố mẹ không còn nên đi lang thang và cả những người chưa thành niên có bố mẹ nhưng không có sự quản lý chặt chẽ cũng bỏ nhà đi lang thang bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, xúi giục nên đã sa ngã trước cạm bẫy của cuộc sống dẫn đến vi phạm pháp luật.
Thứ năm: Do thiếu sự giáo dục của gia đình, sự tuyên truyền pháp luật của xã hội chưa thực sự đạt hiệu quả, nhiều người chưa thành niên đã không biết những hành vi mà mình gây ra đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (như lấy trộm dây cáp quang điện thoại đang sử dụng, dây tiếp địa của điện lực như trên với động cơ rất đơn giản là đốt để lấy lõi đồng đem đi bán đồng nát lấy tiền tiêu xài). Người lớn chúng ta nhiều khi cũng không quan tâm đến người chưa thành niên, nhiều người thay vì dạy dỗ mà lại lôi kéo người chưa thành niên phạm tội cùng mình với vai trò là người thực hành.
Thứ sáu: Ma túy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người chưa thành niên phạm tội gia tăng. Khi một con người đã lao vào con đường ma túy tất yếu sẽ dẫn đến nghiện ngập và không có tiền để mua ma túy. Để thỏa mãn những cơn “đói thuốc” thì lúc này “túng quá hóa liều” các con nghiện sẽ sẵn sàng cướp của, giết người, sẵn sàng phạm tội để có tiền mua ma túy.
Thứ bảy: Người chưa thành niên đa phần đều còn đang ở độ tuổi đến trường, nhưng ở trường học hiện nay việc đưa pháp luật vào chương trình dạy học phổ biến cho các học sinh còn hạn chế, dẫn đến nhiều học sinh chưa hiểu được những việc được làm, những việc pháp luật cấm.
Ngoài những nguyên nhân chính trên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác như mâu thuẩn gia đình, bố mẹ ly dị nhau làm cho con cái bất mãn dẫn đến phạm tội…
Đứng trước tình hình như trên, thì Nhà nước và mỗi chúng ta phải góp phần vào công cuộc phòng và chống tội phạm nói chung, phòng chống người chưa thành niên phạm tội nói riêng và theo tôi nên có những biện pháp sau:
Thứ nhất: Tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến người dân (tăng cường ở các vùng sâu vùng xa, nông thôn, miền núi), đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên. Nhà trường, Đoàn thanh niên phải luôn dẫn đầu trong công tác này và cần phát động các phong trào như tìm hiểu pháp luật, giải thích pháp luật... nhằm nâng cao sự nhận thức, hiểu biết của người dân đối với pháp luật.
Ví dụ, thông qua các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của ma túy, các cuộc vận động chấp hành luật giao thông đường bộ hoặc gần đây có cuộc học tập và rèn luyện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để các cấp học, các độ tuổi từ tiểu học cho đến trung học phổ thông có những bước chuyển trong nhận thức cho tới hành động.
Thứ hai: Gia đình là tế bào của xã hội vì thế mỗi gia đình phải nêu cao trách nhiệm đối với con cái để tránh tình trạng hụt hẫng, buông lõng, thiếu sự quản lý, giáo dục, chăm sóc của cha mẹ dẫn đến con cái mất phương hướng, lang thang và phạm tội. Gia đình có mạnh khỏe, phát triển tốt mới thúc đẩy được xã hội đi lên.
Thứ ba: Nhà nước tăng cường quản lý chặt chẽ các lĩnh vực nhạy cảm như văn hóa, công nghệ thông tin (Internet)... Có chính sách ưu tiên dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho những người chưa thành niên lang thang, không gia đình để khi bước vào đời họ có một nghề tự nuôi sống bản thân. Nhà nước cần đầu tư thêm nhiều khu vui chơi cho cộng đồng trong đó có người chưa thành niên như công viên, các câu lạc bộ…
Thứ tư: Đối với trường học, tùy theo ngành nghề đào tạo, đặc điểm học sinh, đặc điểm ngành nghề các em được đào tạo, cần có nhưng chính sách, chương trình giáo dục phù hợp để học sinh hiểu và tôn trọng pháp luật. Có thể áp dụng một số phương pháp và cách thức nhằm tuyên truyền đến học sinh trong nhà trường, như:
- Giáo dục, quán triệt đến từng học sinh về các chính sách pháp luật, tính chịu trách nhiệm pháp lý trong đó có trách nhiệm hình sự nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
- Tuyên truyền pháp luật đến với từng học sinh, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành các học sinh theo học hoặc thường xuyên gặp phải trong cuộc sống như Luật Giao thông đường bộ, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Kinh tế... nhằm trang bị cho các học sinh những hiểu biết cơ bản để chấp hành tốt pháp luật.
- Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong trường phải hưởng ứng tích cực, vận động học sinh tham gia những phong trào hay các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cấp trường cũng như cấp tỉnh hoặc quốc gia nhằm tạo không khí, phong trào tìm hiểu học tập pháp luật trong học sinh toàn trường.
- Nâng cao giá trị đạo đức trong giảng dạy, kết hợp hài hòa quan hệ giữa nhà trường – gia đình, giáo viên – học sinh để các học sinh hiểu biết hơn nữa về truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”... đây là một trong những cách để phòng ngừa tội phạm có hiệu quả nhất.
- Mỗi giáo viên, mỗi học sinh là một tấm gương điển hình về chấp hành pháp luật, là một gương tốt cho các học sinh, các bạn noi theo. Nhân rộng những điển hình tốt chấp hành pháp luật để tuyên truyền đến từng học sinh nhằm thúc đẩy tính tự chấp hành pháp luật.
Thứ năm: Nâng cao quan hệ phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để kịp thời thông tin cho nhau biết những trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh của trường nhằm chấn chỉnh, giáo dục kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật đảm bảo công tác phòng ngừa. Có thể xét xử lưu động đối với những tội phạm có tính chất ít nghiêm trọng tại trường nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đồng thời có tính răn đe, phòng ngừa cao, tuy nhiên cần phải tránh xét xử lưu động những vụ có thể gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của lứa tuổi này.
Thứ sáu: Hàng năm, các cơ quan tố tụng nên tổng hợp, có báo cáo về tình hình người chưa thành niên phạm tội, tìm ra được những nguyên nhân, thiếu sót, yếu kém, hạn chế từ khâu nào, từ đơn vị nào trong việc quản lý, giáo dục. Từ đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm để cơ quan chức năng khắc phục và có những chương trình phù hợp.



Tác giả bài viết: Đoàn Công Minh - VKSND TP.Đồng Hới

Tổng số điểm của bài viết là: 32 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 3277

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 99352

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8421910

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến