21:46 EDT Thứ sáu, 19/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Thực trạng ly hôn hiện nay và một số biện pháp hạn chế việc ly hôn

Thứ năm - 25/09/2014 04:46
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn.
Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cùng lúc kéo theo những biến đổi trong văn hóa, đạo đức xã hội, làm giá trị đạo đức truyền thống trong mỗi gia đình cũng đang dần bị phá vỡ, tình trạng ly thân, ly hôn gần đây có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong các gia đình trẻ.
Theo số liệu thống kê của VKS thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, năm 2012 đơn vị đã thụ lý 216 vụ ly hôn, năm 2013: 231 vụ và từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2014 đã có tới 180 vụ. Số vụ án hôn nhân - gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước. Ly hôn xảy ra đối với nhiều thành phần: cán bộ, công nhân, nông dân, doanh nhân, buôn bán...
Qua công tác thụ lý kiểm sát các vụ án ly hôn thì tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp 2 lần so với người chồng. Điều đáng lo ngại là trên 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ ở nhóm tuổi 20-30 và hầu hết đã có con. Khi một cuộc hôn nhân đỗ vỡ, thì đó là nỗi đau mất mát của hai vợ chồng, trong thực tế phụ nữ sẽ gặp khó khăn gấp bội, phải gồng mình để gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy con và luôn phải chịu áp lực về tài chính, bị thiệt thòi về tâm lý, tình cảm, hiệu suất công việc.
Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con, những đứa trẻ trong các gia đình có bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến việc trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này, thường có những biểu hiện lệch lạc và sa ngã, phạm tội, bố mẹ ly hôn con trẻ thường tỏ ra giận dữ, có những việc làm nông nổi, hung hăng, dễ gặp tai nạn về thể chất, khi lớn lên trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp cộng đồng.
Một khía cạnh khác, sau ly hôn cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em”, dẫn đến các bậc cha mẹ có thể thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi) tác động sâu sắc không những lên sự nhận thức còn rất non nớt của các em mà con gây ra những bất hòa và tổn thương tâm lý khó hàn gắn được.
Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng cao như hiện nay, nhưng chủ yếu tập trung vào một số nguyên nhân chính sau:
- Do điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển về tâm sinh lý, giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.
- Do điều kiện kinh tế gia đình:  Các cặp vợ chồng sau khi lập gia đình phải tự lo cho mái ấm của mình, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nỗi khốn khó đeo bám triền miên khiến vợ chồng sinh ra mâu thuẫn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn. Nhiều gia đình vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng do mải theo làm ăn kinh tế, thiếu quan tâm đến tình cảm vợ chồng, dần phai nhạt rồi xảy ra “chiến tranh lạnh”, có trường hợp khi người chồng có địa vị và chỗ đứng trong xã hội, hoặc có điều kiện kiếm ra tiền và tự cho mình “cái quyền” làm gì tùy thích theo thú vui của riêng mình, thiếu quan tâm đến gia đình, vợ con. Người vợ ở nhà thiếu thốn tình cảm, vợ chồng sinh ra nghi kỵ ghen tuông và vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.
- Do sinh con một bề: Ngày nay tư tưởng “trọng nam khinh nữ không còn nặng nề như xưa” nhưng vẫn có không ít trường hợp vợ chồng sinh con một bề, làm cho người chồng chán nản bỏ bê công việc gia đình, đi theo con đường bài bạc rồi dần dần của cải trong gia đình “đội nón ra đi”; hoặc rủ bạn bè đi nhậu hết ngày này sang ngày khác, khi tàn cuộc về nhà tìm trăm ngàn lý do để  chửi bới, hành hạ đánh đập vợ con gây thương tích hoặc tìm đến “người thứ 3” để có con trai cũng dẫn đến việc ly hôn.
- Do bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, nó làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, khi bạo lực xảy ra sẽ gây ra nhiều sứt mẽ trong tình cảm, không tìm thấy được sự hoà hợp mà chỉ còn sự ức chế và sợ hãi dần dần họ không thể chịu đựng nữa và dẫn đến ly hôn.
- Ngoại tình: Ngày xưa, người phụ nữ luôn coi trọng danh dự, nhân phẩm của mình bằng sự thủy chung son sắc, họ coi việc vụng trộm tình ái là hành vi xấu xa, phản bội và thiếu đạo đức. Nhưng ngày nay, quan niệm “ông ăn chả, bà ăn nem” trở thành mốt trong một số gia đình. Thực tế đã có không ít gia đình vợ chồng thích tìm “của lạ”. Nhất là trường hợp người chồng đi làm ăn xa nhà lâu ngày khi gặp đối tượng cùng cảnh ngộ dễ xiêu lòng đi theo tiếng gọi của ái tình nên đành lòng xin ly hôn.
- Lấy chồng ngoại: Với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây một số người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh, du lịch, hoặc một số người đi xuất khẩu lao động nước ngoài về… Họ tiêu tiền như nước làm cho các cô gái Việt Nam loá mắt và có tư tưởng sính ngoại, muốn đổi đời mà không vất vả lao động nên đánh liều chạy theo đồng tiền, bất chấp tuổi tác chênh lệch, phong tục tập quán, quan niệm sống…. nhưng rồi cũng thấm thía với tư tưởng sính ngoại và rồi phải xin ly hôn với bao nhiêu cay đắng, tủi hờn.
- Do mâu thuẩn trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu: Mẹ chồng và nàng dâu vốn là hai người ở hai thế hệ khác nên sẽ rất khó để dung hòa trong cách sống, lối suy nghĩ. Vì thế mà trong mối quan hệ giữa hai người luôn tồn tại những mâu thuẫn muôn thủa, như bất đồng quan điểm trong cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ,  mẹ chồng ghen vì nghĩ con trai mình yêu vợ hơn mẹ hoặc con dâu cảm thấy không thoải mái khi mẹ chồng can thiệp vào việc riêng… và một khi mâu thuẩn ngày càng nhiều, người chồng không thể hoá giải được những mâu thuẩn giữa mẹ - vợ cũng sẽ dẫn đến việc ly hôn.
- Ngoài các nguyên nhân trên còn có nguyên nhân từ sự phát triển về các dịch vụ hỗ trợ gia đình như giáo dục, y tế, dịch vụ nội trợ, dịch vụ giải trí... đã thay thế dần những chức năng trước đây chỉ gia đình mới có thể đảm nhiệm được, nhiều người chưa nhận thức được vị trí của gia đình cho rằng gia đình không còn là nơi duy nhất để họ trú ẩn, dần dần vai trò của gia đình được đánh giá thấp, giá trị gia đình không còn quan trọng, xem hôn nhân như trò đùa.
Để từng bước hạn chế thực trạng ly hôn đang  gia tăng như hiện nay, cần thực hiện các giải pháp:
- Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau “chồng bảo vợ nghe, vợ nói chồng đồng tình”. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Khi có mâu thuẩn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề. Nói không với những tệ nạn xã hội, sống thủy chung. Điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam.
- Các cặp vợ chồng trẻ cần tăng cường học hỏi, tham vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử trong gia đình… tại các Trung tâm tư vấn tâm lý, tại trang Website hôn nhân & Gia đình, các bài viết trên sách, báo… Bên cạnh đó, trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định.
- Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình, đặc biệt, chú trọng đến truyền thông, giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán…nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kinh nghiệm… giúp cho các thành viên trong gia đình xây dựng mối quan hệ tương hỗ, thân thiện, gần gũi hơn. Bởi lẽ, nếu như gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức thì nguy cơ đỗ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn.
- Thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”,“Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. Thực hiện nghiên túc luật pháp liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,... ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Cần biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, điển hình trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi dạy các con ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà, kính trên, nhường dưới.. tuyên truyền  những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn về đề tài gia đình.
- Cần lồng ghép, và tổ chức truyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, vai trò của gia đình trong nhân dân thông qua các cuộc họp tổ dân phố, họp công đoàn sinh hoạt chi bộ, họp phụ nữ, thường xuyên mở các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đồng thời trang bị thêm các kiến thức về pháp luật và xã hội để mọi người nhận thức được vai trò của gia đình để cùng nhau giữ lửa đem lại cuộc sống gia đình hạnh phúc.
- Cần tăng cường hơn nữa công tác hoà giải để các cặp vợ chồng muốn ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái. 
Gia đình là tổ ấm mang lại giá trị hạnh phúc, là sự hài hòa cho đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, là nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển. Các cụ xưa đã nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn” câu nói bất hủ ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” hãy chung tay xây dựng, gìn giữ gia đình một cách bền vững.

Tác giả bài viết: Thu Hiền - VKSND TP. Đồng Hới

Tổng số điểm của bài viết là: 144 trong 33 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 5


Hôm nayHôm nay : 3944

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 73018

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8395576

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến