03:48 EDT Thứ bảy, 20/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Thực trạng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự trong sáu năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại tỉnh Quảng Bình và một vài giải pháp, kiến nghị

Thứ ba - 23/09/2014 03:30
Kháng nghị phúc thẩm hình sự là nhiệm vụ, đồng thời là một quyền năng pháp lý quan trọng mà Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân và chỉ duy nhất Viện kiểm sát thực hiện quyền năng này; là điều kiện để xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án theo trình tự phúc thẩm nếu có sai phạm nhằm đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án đúng quy định của pháp luật.
Quán triệt Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23.11.2012 của Quốc Hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp ở tỉnh Quảng Bình xác định công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, từ đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của mỗi đơn vị.
         
1. Các kết quả đạt được trong 06 năm thực hiện Chỉ thị số 03 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự.
Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã luôn chú trọng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 03/CT của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về số lượng, so với trước khi Chỉ thị 03 được ban hành và sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 03 thì số lượng kháng nghị phúc thẩm được tăng lên đáng kể. Hình thức, nội dung và căn cứ để ban hành kháng nghị được thực hiện đúng quy định. Các kháng nghị cơ bản đã phát hiện đúng vi phạm, viện dẫn đúng và đầy đủ căn cứ pháp luật, lập luận rõ ràng, chặt chẽ hơn. Chiếm tỷ lệ cao nhất là kháng nghị áp dụng thêm hoặc bỏ bớt các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tăng, giảm hình phạt; kháng nghị tăng, giảm mức bồi thường thiệt hại về dân sự; kháng nghị áp dụng biện pháp chấp hành hình phạt như chuyển tù giam sang hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và ngược lại, chuyển khung hình phạt; các kháng nghị huỷ bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc định tội danh không chính xác...cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao và tập trung vào một số loại tội như Cố ý gây thương tích, Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản...Qua công tác kháng nghị phúc thẩm,Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã đã khắc phục được nhiều sai sót cơ bản của Toà án cấp sơ thẩm.
 
Trong 6 năm qua,Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành kháng nghị phúc thẩm 82 vụ/146 bị cáo và đều là kháng nghị bản án. Nguồn để kháng nghị phúc thẩm là thông qua công tác kiểm sát bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát hai cấp. Trong đó, kháng nghị cùng cấp 53 vụ/87 bị cáo; kháng nghị trên cấp 28 vụ/58 bị cáo, chiếm tỉ lệ 10,6% so với tổng số vụ án và 12,9% so với tổng số bị cáo thụ lý ở cấp phúc thẩm. Số kháng nghị tăng hình phạt là 37 vụ/56 bị cáo; giảm hình phạt 03 vụ/07 bị cáo; chuyển loại hình phạt 30 vụ/ 52 bị cáo; Chuyển khung hình phạt 06 vụ/25 bị cáo; thay đổi tội danh 02vụ/02 bị cáo; kháng nghị liên quan đến bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng 03 vụ/03 bị cáo.
Kết quả giải quyết: Số bị cáo đã giải quyết 82 vụ/146 bị cáo. Trong đó, số bị cáo được Viện kiểm sát cấp trên bảo vệ 139 bị cáo, chiếm 95,2% tổng số bị cáo có kháng nghị; Số bị cáo bị rút kháng nghị 07 bị cáo, chiếm 4,8%; Số bị cáo có kháng nghị được Toà chấp nhận 100, chiếm 72% tổng số bị cáo được Viện kiểm sát bảo vệ; Số kháng nghị không được chấp nhận 39 bị cáo, chiếm 28%. Đơn vị đã báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm nhiều vụ được cấp giám đốc thẩm chấp nhận.
Điều đáng nghi nhận là số lượng cũng như chất lượng kháng nghị năm sau thường tăng cao hơn năm trước, các kháng nghị được Viện kiểm sát cấp trên bảo vệ tỷ lệ thuận với số bị cáo có kháng nghị được Toà án chấp nhận.
Đạt được những kết quả nêu trên là do Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kịp thời và có tác động tích cực vào việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành Kiểm sát nói chung và ở Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Mặt khác, chúng tôi luôn xác định việc thực hiện tốt công tác kháng nghị hình sự phúc thẩm có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp - mà hạt nhân là kiểm sát xét xử, bởi thông qua đó yêu cầu Toà án đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, góp phần nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Vì vậy chúng tôi đã có các biện pháp tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm như: Căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong Ngành kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành tại Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13/6/2012, trong đó có chỉ tiêu về kháng nghị phúc thẩm hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cụ thể hoá và đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của từng đơn vị, tạo động lực thúc đẩy các đơn vị hăng hái phấn đấu thi đua thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm sát các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án được đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác hình sự hai cấp tiến hành chặt chẽ, đúng quy định thông qua việc lập phiếu kiểm sát, nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm về tố tụng, vi phạm về nội dung để báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị. Hơn nữa, Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp luôn quan tâm và tăng cường công tác lãnh đạo, rèn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ Kiểm sát viên về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, không ngừng nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát vụ án hình sự; Tích cực tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm ở hai cấp, bởi thông qua đó sẽ phát hiện được nhiều vi phạm trong hoạt động xét xử, từ đó xem xét xem bản án tuyên có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, phù hợp với kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên toà hoặc phần nhận định của bản án có phù hợp với phần quyết định tuyên phạt tại phiên toà không – để báo cáo Lãnh đạo quyết định việc ban hành hay không ban hành kháng nghị trong từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự luôn có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Viện kiểm sát cấp huyện, bố trí Lãnh đạo, Kiểm sát viên về cơ sở đọc án văn cấp huyện để góp ý rút kinh nghiệm. Đồng thời, để tăng cường chất lượng công tác kiểm sát, Phòng đã xây dựng mẫu kiểm tra biên bản phiên toà gửi các đơn vị cấp huyện làm căn cứ thực hiện.

Hàng năm Phòng 3 được giao xây dựng các báo cáo chuyên đề nghiệp vụ về công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự để góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, kiểm sát viên hai cấp đối với lĩnh vực này, đồng thời cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, xây dựng. Chúng tôi luôn quan niệm sự học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, cọ xát về thực tế càng nhiều và ở càng ở các góc nhìn, khía cạnh khác nhau thì càng tạo động lực để các Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán phải nghiên cứu, cẩn trọng trong công việc được giao.
 
2. Những hạn chế của công tác kháng nghị phúc thẩm và nguyên nhân  
2.1 Những hạn chế
Công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự ở tỉnh Quảng Bình những năm qua tuy đã có sự tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như:
- Số lượng án có kháng nghị còn ít so với số lượng án đã xét xử phúc thẩm bị sửa, huỷ; Thậm chí có một số đơn vị cấp huyện trong vài năm liên tục vẫn không ban hành được kháng nghị nào, mặc dù án sơ thẩm có vi phạm tại địa phương đó vẫn xảy ra và bị cấp trên kháng nghị, được Tòa phúc thẩm chấp nhận.
- Chất lượng của một số kháng nghị chưa cao, việc phân tích và vận dụng căn cứ pháp luật chưa thực sự đầy đủ, chính xác, thiếu tính thuyết phục nên dẫn đến trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị sau đó rút kháng nghị hoặc bị Viện kiểm sát cấp trên rút kháng nghị hoặc không bảo vệ được kháng nghị.
 
2.2 Nguyên nhân của những hạn chế
- Nhận thức của một số cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp về nội dung và ý nghĩa của công tác kháng nghị chưa đầy đủ, đúng đắn, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm đối với công tác này, do vậy việc nghiên cứu, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án còn qua loa, phiến diện nên không phát hiện được vi phạm, sai sót của Tòa án để báo cáo lãnh đạo, đề xuất việc kháng nghị. Bên cạnh đó, kỹ năng, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát bản án, quyết định của Toà án của một số Kiểm sát viên còn hạn chế, nhất là đối với Kiểm sát viên vừa mới bổ nhiệm, nên việc phát hiện vi phạm chưa được đầy đủ, chính xác, kịp thời.
- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới, giữa Viện kiểm sát với Tòa án chưa thực sự triệt để.  
- Việc thực hiện chế độ thỉnh thị kháng nghị chưa được nghiêm túc, do đó có trường hợp kháng nghị chưa chính xác dẫn đến phải rút kháng nghị. Một số trường hợp kháng nghị còn mang tính chủ quan, cảm tính, thể hiện sự bức xúc do có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát và Toà án nên chất lượng kháng nghị không cao. Ngược lại, có trường hợp do “dĩ hoà vi quý”, cả nể, ngại va chạm nên không kháng nghị.
- Việc gửi bản sao bản án, quyết định, phiếu kiểm sát, báo cáo kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới cho Viện kiểm sát cấp trên còn chậm và chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến công tác kháng nghị phúc thẩm. Hơn nữa, Điều 229 BLTTHS quy định thời gian để Toà án cấp sơ thẩm gửi bản án cho Viện kiểm sát cùng cấp 10 ngày – là quá dài, đồng thời không quy định việc Toà án sơ thẩm phải gửi bản án cho Viện kiểm sát cấp trên, đã gây không ít khó khăn cho công tác kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm.
- Công tác theo dõi việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án chưa thực sự có hiệu quả, tình trạng chưa phát hiện được vi phạm trong bản án, quyết định còn xảy ra.
- Hệ thống chỉ tiêu tuy là động lực để các đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, nhưng cũng chính từ đó đã dẫn đến tình trạng chạy theo thành tích, để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu theo quy định của Ngành, nhiều đơn vị đã phải luôn tìm kiếm vi phạm để ban hành kháng nghị, kiến nghị, thậm chí có nhiều trường hợp vi phạm chỉ ở mức kiến nghị nhưng đơn vị lại ban hành kháng nghị, dẫn đến có nhiều kháng nghị không có chất lượng, cấp trên không bảo vệ được hoặc buộc phải rút kháng nghị…
- Có không ít vụ án, mặc dù nội dung kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật song Tòa phúc thẩm vẫn bác kháng nghị để ổn định bản án sơ thẩm. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo báo cáo Viện kiểm sát tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với một số vụ án bị bác kháng nghị không chính xác. 
- Quy chế công tác của Ngành Kiểm sát và Toà án quy định việc án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm huỷ hoặc cải sửa gắn liền với chỉ tiêu thi đua và xem xét tái bổ nhiệm, cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng và số lượng kháng nghị phúc thẩm.
- Một số quy định của BLHS chưa được hướng dẫn kịp thời, khoảng cách giữa mức khởi điểm và mức cao nhất của khung hình phạt tương đối rộng dẫn đến nhận thức và vận dụng pháp luật hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất; Chế định tại Điều 47 BLHS cho phép Toà án có thể xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt lại càng làm cho khoảng cách này tăng thêm.
 
3. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm trong thời gian tới
- Một là, tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên về nội dung của Chỉ thị 03/CT-VT ngày 19/6/2008 của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cũng như các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 49-NQ/TW và Kết luận 79- KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm. Tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, đảm bảo mọi vi phạm đều được phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý chính xác, phù hợp, có chất lượng.
- Hai là, đối với Viện kiểm sát cấp sơ thẩm: Sau khi nhận được bản án Kiểm sát viên phải đọc kỹ để phát hiện vi phạm, báo cáo lãnh đạo xem xét kháng nghị. Đồng thời sao gửi bản án sơ thẩm, phiếu kiểm sát bản án cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm đầy đủ, kịp thời; Thực hiện nghiêm túc chế độ thỉnh thị kháng nghị đối với những vụ án có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ và và vận dụng đường lối xử lý; Mỗi Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành, bảo đảm phát hiện được các vi phạm ngay tại phiên toà, sau khi nhận bản án phải kiểm tra và đề xuất chính xác vi phạm của bản án sơ thẩm.
- Ba là, đối với Viện kiểm sát cấp phúc thẩm: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới, giữa Viện kiểm sát với Toà án trong công tác kháng nghị phúc thẩm; Làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp dưới; Hàng năm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị phúc thẩm, để thấy được ưu điểm và hạn chế nhằm đề ra giải pháp phù hợp; Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm gửi các đơn vị cấp huyện để nghiên cứu nhằm khắc phục các vi phạm, thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm.
- Bốn là, tiếp tục đưa chỉ tiêu kháng nghị phúc thẩm vào đánh giá thi đua hàng năm, nhưng phải lấy tiêu chí chất lượng kháng nghị để làm căn cứ đánh giá nhằm tránh tình trạng kháng nghị tràn lan hoặc không có bất kỳ kháng nghị nào trong năm công tác.
- Năm là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành nói chung và công tác kháng nghị phúc thẩm nói riêng đạt hiệu quả, chất lượng.
- Sáu là, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để thực hiện tốt nhất lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát. Đặc biệt nâng cao chất lượng, kỹ năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, không để xảy ra trường hợp có vi phạm nhưng không bị phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời; Bổ sung biên chế và bố trí những Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm thực sự vào khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về cải cách tư pháp, hướng tới một nền tư pháp công khai, minh bạch, dân chủ và vì con người.

Tác giả bài viết: Phòng 3 - VKSND tỉnh QB

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 931

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 73655

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8396213

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến