17:32 EDT Thứ năm, 18/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, thực tiễn những khó khăn, vướng mắc và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này

Thứ tư - 09/07/2014 03:34
Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra là quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong lộ trình cải cách tư pháp được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng như: Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI đều nêu rõ:
“Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành điều tra khi thi hành nhiệm vụ”. Trong thời gian gần đây, rất nhiều bài viết trên báo, tạp chí, trên mạng, trên các diễn đàn, các cuộc hội nghị, hội thảo được tổ chức đã đề cập xung quanh vấn đề này. Tuy vậy với góc nhìn từ cơ sở, từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc để đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sư.
     Trước hết là về nhận thức: Quán triệt chủ trương của Đảng, quan điểm chỉ đạo của VKSND Tối cao trong nội dung các văn bản chỉ thị công tác, thông tư hướng dẫn, với việc nghiên cứu vấn đề tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra điều đó có nghĩa là phải làm cho cán bộ kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra các vụ án hình sự hiểu rõ về trách nhiệm của mình cần làm nhiều hơn, làm mạnh thêm, nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra đồng thời xác lập mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời giữa công tố với hoạt động điều tra. Nói tóm lại chủ trương của Đảng mong muốn cán bộ kiểm sát viên VKSND phải tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra các vụ án hình sự nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và không để xảy ra oan, sai.
     Cơ sở pháp lý về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát để thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự tại Điều 112 và Điều 113.
    Theo quy định của Điều 112 BLTTHS, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có nhiệm vụ và quyền hạn: khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra; yêu cầu thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi điều tra viên; nếu hành vi của điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra; hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can; quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
     Điều 113 BLTTHS quy định khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn: kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ng­ười tham gia tố tụng; giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên; yêu cầu Thủ tr­ưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra; kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Các quy định trên đây thể hiện vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động điều tra, đặc biệt là trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Có thể nói Viện kiểm sát giữ vai trò quan trọng quyết định đến kết quả và chất lượng của hoạt động điều tra. Mọi hành vi phạm tội có đ­ược khởi tố, điều tra hay không, hoạt động điều tra có đúng pháp luật hay không phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát. Quyền công tố trong giai đoạn điều tra và kiểm sát điều tra là hai quyền năng pháp lý khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu hoạt động thực hành quyền công tố nhằm đảm bảo mọi tội phạm phải được xử lý, thì hoạt động kiểm sát điều tra đảm bảo cho việc xử lý tội phạm đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra có ý nghĩa hỗ trợ cho việc thực hành quyền công tố chính xác, khách quan. Có thể nói, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra chính là chúng ta phải thực hiện kịp thời, đúng và đầy đủ các quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát được quy định trong BLTTHS, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra được nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, tránh oan sai cũng như­ không để lọt tội phạm.
     Những kết quả đạt được: Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự ở VKSND huyện Tuyên Hóa những năm qua cho thấy, về cơ bản, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát Tuyên hóa đã ngày càng nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt hơn các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công tố trong hoạt động điều tra. Công tác công tố và kiểm sát điều tra của đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tỉ lệ giải quyết tin báo tội phạm và giải quyết án đạt cao trên 90%. Viện kiểm sát phê chuẩn khởi tố bị can; Phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra đều được thực hiện có căn cứ, đúng quy định cuả pháp luật. Các vụ án, bị can được Cơ quan điều tra, VKS đình chỉ đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, không có bị can bị đình chỉ do không phạm tội; không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố mà Toà án tuyên bị cáo không phạm tội, không để xảy ra trường hợp bắt tạm giữ hình sự sau chuyển xử lý hành chính. Trong thực hành quyền công tố, VKS đã chủ động thực hiện các quyền hạn được quy định tại Điều 112 BLTTHS. Đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 3 bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can 07 trường hợp. Quá trình kiểm sát giải quyết án hình sự yêu cầu cơ quan điều tra xử lý kỷ luật 01 điều tra viên do vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra. Việc đề ra yêu cầu điều tra được Kiểm sát viên coi trọng thực hiện. Đa số các bản yêu cầu điều tra được ban hành đều đảm bảo chất lượng, định hướng được cho quá trình điều tra vụ án. Các yêu cầu và quyết định của VKS đều đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, được Cơ quan điều tra chấp nhận, thực hiện nghiêm túc.
     Tuy vậy, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ 1/ 159 vụ trong ba năm từ 2010 đến nay án phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung vẫn còn xảy ra. Vẫn còn có  nhiều tin báo vi phạm về thời gian xử lý, nhất là các tin báo phải có kết quả giám định, một số tin báo kéo dài nhưng chưa khắc phục và xử lý dứt điểm được. Một số yêu cầu điều tra của kiểm sát viên, điều tra viên chưa thực hiện triệt để, một số vụ án chất lượng điều tra chưa cao. Những hạn chế tồn tại nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, từ căn cứ pháp luật, từ trách nhiệm cá nhân cụ thể:
    Về cơ chế còn bất cập trong mối quan hệ giữa Thủ trưởng CQĐT với ĐTV, giữa KSV với ĐTV. Theo Điều 114 BLTTHS năm 2003 thì CQĐT phải thực hiện các yêu cầu và QĐ của VKS. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn vấn đề VKS yêu cầu nhưng CQĐT thực hiện nhưng không triệt để hoặc KSV yêu cầu nhưng ĐTV không thực hiện vì chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng CQĐT ... Tóm lại, cơ chế tổ chức hoạt động điều tra còn tách biệt với tổ chức hoạt động công tố, do ĐTV chịu sự chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT. KSV cũng phụ thuộc vào người đứng đầu của VKS theo nguyên tắc tập trung thống nhất dẫn đến ĐTV, KSV thụ động, ỷ lại vào cấp trên.
Về căn cứ pháp luật để thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra chủ yếu căn cứ quy định mang tính chất khung của BLTTHS, Luật tổ chức VKSND, Quy chế KSĐT chứ chưa quy định cụ thể vì vậy khi thực hiện nhiệm vụ, thao tác như thế nào lại phụ thuộc kỷ năng của từng KSV vấn đề này hiện nay liên ngành Trung ương đã có thông tư liên tịch 06 ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội  phạm và kiến nghị khởi tố,  VKSND tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo quy chế công tác tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác về tội  phạm và kiến nghị khởi tố, và quy chế công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Đây sẽ là căn cứ phục vụ đắc lực cho KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.
     Về trách nhiệm vẫn còn một số KSV chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, thiếu chủ động trong quá trình kiểm sát điều tra, còn tư tưởng ỷ lại . Hiện tượng này dẫn đến một số vụ án khi kết thúc còn thiếu chứng cứ, thiếu thủ tục tố tụng dẫn đến phải tiếp tục bổ sung.  
Để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, ngày 06/12/2013 Viện trưởng VKSND tối cao đã có Chỉ thị số 06 trong đó xác định mục tiêu và đề ra 8 nhiệm vụ cụ thể. Nội dung mục tiêu yêu cầu, 8 nhiệm vụ cụ thể trong Chỉ thị chắc chắn Lãnh đạo VKS tỉnh, các phòng nghiệp vụ, VKS các huyện đã quán triệt và tổ chức thực hiện đến từng cán bộ kiểm sát viên. Tuy vậy, từ thực tiễn chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất thêm một số giải pháp để góp phần làm tốt hơn vấn đề này. 
    Thứ nhất: Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong công tác phân loại, xử lý các tin báo, tố giác tội phạm. Chủ động cùng với Cơ quan điều tra nghiên cứu các tài liệu xác minh ban đầu về tội phạm để thống nhất quan điểm giải quyết đảm bảo các quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, có khó khăn trong thu thập, đánh giá chứng cứ, thì cùng nghiên cứu, xác định phương hướng xác minh, bổ sung chứng cứ xác định tội phạm để khởi tố tiến hành điều tra. Nhằm chủ động thực hiện tốt chức năng công tố ngay từ khi có thông tin về tội phạm.
    Thứ hai: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, không phải KSV được phân công thụ lý KS vụ án trực tiếp cùng ĐTV điều tra vụ án, trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra mà phải đảm bảo tất cả các hoạt động điều tra đều được kiểm sát chặt chẽ, phải bám sát vụ án đó, còn bám sát như thế nào thuộc về kỹ năng của mỗi KSV, miễn làm sao trong từng thời điểm nhất định chúng ta nắm chắc án, thuộc án và luôn ở vai trò chủ động hướng CQĐT, ĐTV làm theo yêu cầu của mình. Muốn làm được điều đó mỗi KSV phải không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, chịu khó nghiên cứu văn bản, trích cứu hồ sơ, tranh thủ ý kiến lãnh đạo, các đồng nghiệp khác và của cấp trên, luôn chủ động trong mọi tình huống xảy ra, bên cạnh những chứng cứ buộc tội thì những chứng cứ mà bị can gỡ tội là gì? Cần cân nhắc, hết sức thận trọng trước khi đề xuất quyết định.
    Thứ ba: Khi vụ án đã được khởi tố, KSV phải xây dựng bản yêu cầu điều tra. Bản yêu cầu điều tra vụ án phải thật chi tiết như việc lấy lời khai bị can, nhân chứng, người liên quan, bị hại, thu giữ thêm vật chứng, kế hoạch xác minh…Tùy theo từng vụ án mà giữa KSV và ĐTV có trao đổi và dự kiến thời gian hoàn thành yêu cầu điều tra. Sau đó trình lãnh đạo 2 ngành có ý kiến về bản yêu cầu điều tra này. Tùy thời điểm và diễn biến của vụ án, ĐTV, KSV bàn bạc, đánh giá chứng cứ, dự kiến công việc tiếp theo.
    Thứ tư: Phải nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Thực tiễn cho thấy nếu lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thường xuyên thì hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Do vậy công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải sát sao, thường xuyên, liên tục. Phải có sự phân công, phân việc kịp thời đúng năng khiếu, sở trường của từng Kiểm sát viên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ. Phải thường xuyên kiểm tra Kiểm sát viên trong việc thực hiện quy chế nghiệp vụ để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc của Kiểm sát viên và chấn chỉnh khắc phục sai sót nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này.

Tác giả bài viết: Gia Khương - VKS Tuyên Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 99

Máy chủ tìm kiếm : 93

Khách viếng thăm : 6


Hôm nayHôm nay : 3228

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 68700

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8391258

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến