10:04 EDT Thứ bảy, 20/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình

Thứ ba - 24/05/2016 20:50
 
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó xác định: “Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” đồng thời Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu phòng chống tham nhũng: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, liêm chính”.

Công tác phòng chống tham nhũng của các Cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Qua thực tiễn công tác kiểm sát điều tra, truy tố xét xử tội phạm tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy, đây là một trong những loại tội phạm khó phát hiện, đồng thời việc điều tra thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội để truy tố, xét xử còn gặp nhiều khó khăn. Thủ đoạn thực hiện hành vi tham nhũng rất đa dạng, phức tạp, vừa trắng trợn lại vừa tinh vi, khôn khéo, có thể công khai cũng có thể lén lút, gian dối, lừa phỉnh, ép buộc người khác, bội tín…Có sự bàn bạc, móc nối giữa nhiều đối tượng có liên quan trong hoạt động công vụ. Các đối tượng tham nhũng đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế cũng như sự không đồng bộ về chính sách, pháp luật của nhà nước, sự buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra để thực hiện hành vi phạm tội và che dấu tội phạm.

Phần lớn đối tượng phạm tội về tham nhũng được phát hiện xử lý là cán bộ, Đảng viên trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan quản lý kinh tế xã hội, các công ty thương mại cổ phần, các ngân hàng, một số vụ án người phạm tội là người tuy không có chức vụ quyền hạn nhưng tham gia với vai trò là đồng phạm, ví dụ: Vụ tham ô tài sản thông qua việc cấp phát thuốc chữa bệnh xảy ra tại huyện Bố Trạch năm 2009. Đối tượng phạm tội tham nhũng thường có học vấn cao và trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định, có quan hệ xã hội rộng rãi. Có vụ án đối tượng phạm tội là người đứng đầu như địa phương như vụ: Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã tham ô tài sản, cán bộ địa chính cấp xã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra còn những thiệt hại trên thực tế không thể nào tính toán được bằng tiền. Tham nhũng gây tác hại đến hoạt động bình thường của các cơ chế quản lý kinh tế, đến hoạt động sản xuất và là nguyên nhân gây cản trở việc thực hiện chính sách đổi mới kinh tế - xã hội…Nghiêm trong hơn nó tấn công trực tiếp vào con người. Có thể nói công tác phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, đòi hỏi có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng và các cấp chính quyền địa phương nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực tiễn những năm quan cho thấy kết quả đạt được chưa cao, chưa như mong muốn.

Qua công tác thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXXST đối với các vụ án tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã góp phần quan trọng vào kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng. Đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm đồng tình, ủng hộ. Theo số liệu thống kê, từ năm 2005 đến 6 tháng đầu năm 2016, Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Quảng Bình đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 29 vụ/ 68 bị can. Trong đó, tham ô tài sản: 22 vụ; nhận hối lộ: 05 vụ; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 02 vụ; Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Viện kiểm sát đã truy tố chuyển Tòa án đã xét xử: 24 vụ/57 bị cáo. Một số địa phương có tỷ lệ án tham nhũng được phát hiện, xử lý cao như: Bố Trạch, Lệ Thủy, Đồng Hới, Minh Hóa…Các vụ án tham nhũng được kiểm sát điều tra ngay từ khi khởi tố, đảm bảo việc phê chuẩn khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đúng căn cứ, không xảy ra oan sai, các quyết định đình chỉ vụ án, bị can có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Công tác thống kê tội phạm về tham nhũng đã được Viện kiểm sát nhân dân thực hiện theo đúng quy định pháp luật, qua đó giúp cho các cơ quan có cơ sở để đánh giá tình hình tội phạm về tham nhũng để đề ra các biện pháp phòng ngừa đấu tranh phù hợp, có hiệu quả.

Bên cạnh việc tập trung xử lý các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, kiến nghị đã phát hiện những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm tham nhũng, cụ thể:

- Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tham nhũng còn hạn chế, chưa thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trongphòng chống tham nhũng; những sai sót, vi phạm chưa được phê phán, xử lý nghiêm minh, kịp thời.

- Thứ hai, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều sơ hở, bất cập; việc tổ chức thực hiện ở nhiều khâu còn thiếu công khai, dân chủ; những nội dung về cơ chế, chính sách pháp luật chưa được thông tin đầy đủ… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, hoạt động tín dụng ngân hàng…Các đối tượng phạm tội tham nhũng thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quản lý, thu chi tài sản đã làm khống chứng từ, công nợ, thu tiền nhưng không lên doanh thu báo cáo nộp vào quỹ nhằm chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân…

- Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật chưa được thường xuyên, công tác kiểm tra, thanh tra chưa cao. Hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý kinh tế còn buông lỏng, một số nơi có tiến hành kiểm tra, đối chiếu sổ sách nhưng chỉ mang tính hình thức, không sâu sát, thiếu trách nhiệm. Một số công ty, chi nhánh kinh doanh lại không có quy chế rõ ràng, thiếu dân chủ trong công tác quản lý điều hành; sắp xếp cơ cấu tổ chức không đúng quy định như: Quyền giám đốc hoặc phó giám đốc công ty lại kiêm luôn nhiệm vụ thủ quỹ và kế toán trưởng; một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình trong việc quản lý tài sản đã tự ý khai thác, sử dụng tài sản công vào mục đích vụ lợi cá nhân; Người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị do thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội tham nhũng.
- Thứ tư, các chế độ, chính sách cán bộ còn nhiều bất cập, chế độ đãi ngộ, tiền lương thấp…dẫn đến tình trạng một số cán bộ tìm cách lợi dụng để rút công quỹ, tài sản nhà nước. Trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ở một số nơi công tác quản lý, giáo dục cán bộ, Đảng viên chưa đúng mức, còn buông lỏng, một số cán bộ công chức thiếu ý thức rèn luyện, bị cám dỗ bởi đồng tiền, lối sống xa hoa, đã lợi dụng kẻ hở để tham ô, hối lộ… dẫn đến tệ nạn tham nhũng càng có điều kiện phát sinh, phát triển.

Trên cơ sở thực trạng, nguyên nhân của tình hình tội phạm về tham nhũng, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay; Quốc hội đã ban hành sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện các đạo luật quan trọng như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự,  Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam và thi hành án... để phù hợp với Hiến pháp 2013 trong đó có nhiều nội dung mới liên quan đến công tác xử lý tội phạm tham nhũng. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

- Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng. Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng. Có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong phòng chống tham nhũng. Kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 50/ CT-TW ngày 07/12/2015 của Bộ chính trị; Kế hoạch số 07/KHTU ngày 22/3/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

- Hai là, nâng cao tính tiên phong gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ đảng trong quản lý giáo dục đảng viên. Chi bộ đảng phải nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên trong chi bộ, giáo dục, nhắc nhở và kịp thời kiểm tra, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, không được dung túng, bao che tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ công tác phòng chống tham nhũng. Bảo đảm công khai dân chủ trong công tác thi tuyển tiếp nhận cán bộ công chức, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác trong hệ thống chính trị và việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra tham nhũng. Xây dựng lộ trình cải cách tiền lương trong những năm tới theo hướng tăng thu nhập cao hơn cho cán bộ công chức, bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập của Đảng viên, cán bộ công chức, xây dựng quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính của Đảng viên, cán bộ công chức, thực hiện nghiêm những điều Đảng viên không được làm.

- Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý kinh tế xã hội, các quy định về quản lý và sử dụng đất đai công sở, chấn chỉnh bảo đảm công khai minh bạch trong quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai công sở. Hoàn thiện chính sách pháp luật tài chính về đất đai, đăng ký bất động sản. Chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và hoạt động mua sắm công, công tác thu chi ngân sách.

- Bốn là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Tập trung kiểm tra, thanh tra kiểm toán trong các lĩnh vực trọng điểm như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Kiên quyết xử lý, kịp thời, nghiêm minh người có hành vi tham nhũng, chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời áp dụng chính sách khoan hồng đối với người phạm tội tham nhũng thành khẩn khai báo, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, hợp tác với cơ quan chức năng.

- Năm là, thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng chống tham nhũng, đề cao vai trò trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Thanh tra, kiểm toán nhà nước, tài nguyên môi trường, ngân hàng, chứng khoán, hải quan, thuế,… để làm rõ những vấn đề về quản lý tài chính đất đai, chứng khoán, thuế xuất nhập khẩu để nắm vững những thay đổi của chế độ pháp luật tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế và ngược lại. Những vụ án phức tạp liên quan đến người có vị trí cao, có chức sắc, có ảnh hưởng trong xã hội cần báo cáo xin ý kiển chỉ đạo của lãnh đạo liên ngành, văn phòng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế, quốc tế như hiện nay, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cần chủ động hợp tác hiệu quả với các quốc gia, các tổ chức quốc tế; chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đối với ngành kiểm sát nhân dân là một trong ba đơn vị được Quốc hội giao chức năng chuyên trách trong công tác phòng chống tham nhũng cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, quy định của nhà nước và của ngành về phòng chống tham nhũng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ kiểm sát trong toàn ngành. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý, điều hành, kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện yêu cầu của Đảng trong việc “tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra” và “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”. Chú trọng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, kiểm sát viên về lý luận chính trị, an ninh, quốc phòng, kiến thức quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đi đôi với việc rèn luyện năm đức tính của người cán bộ kiểm sát theo lời bác Hồ dạy “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Tác giả bài viết: Cao Phạm Tuân_P3. VKSQB

Tổng số điểm của bài viết là: 56 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 3007

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 75731

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8398289

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến