06:23 EDT Thứ bảy, 20/04/2024
CHÀO MỪNG TRUY CẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

MENU

VĂN BẢN PHÁP LUẬT

 Thư viện pháp luật
 Văn bản ngành KSND

CALENDAR

TIN MỚI NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm sát viên viết

Bàn về thẩm quyền của Thẩm phán và Hội đồng xét xử trong vụ án dân sự sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử

Chủ nhật - 03/08/2014 21:41
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Sau đây gọi tắt là BLTTDS) thì nguyên tắc quyền định đoạt và tự định đoạt của đương sự là nguyên tắc quan trọng và Tòa án phải tôn trọng nguyên tắc này trong suốt quá trình giải quyết vụ án, "...các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội" (Điều 5 BLTTDS).
     Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu ra một số vấn đề lý luận xung quanh việc phân định thẩm quyền giải quyết của Thẩm phán được phân công thụ lý và của Hội đồng xét xử (HĐXX) sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử (QĐĐVARXX) đến trước khi mở phiên tòa trong việc giải quyết các vụ án DS, HN-GĐ, KD-TM, LĐ, HC hiện nay.
     Thực tiễn cho thấy, trong thời hạn chuẩn bị xét xử mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện (bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu phản tố) thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS hoặc nếu đương sự tự nguyện thỏa thuận mà không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo Điều 187 BLTTDS.
     Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là nếu việc rút đơn hoặc thỏa thuận của đương sự xảy ra khi Tòa án đã có QĐĐVARXX và trước khi chưa mở phiên tòa thì thẩm quyền ban hành quyết định sẽ do Thẩm phán được phân công thụ lý hay thuộc thẩm quyền HĐXX. Cụ thể xảy ra trong hai trường hợp sau:
* Trường hợp 1: Đương sự thỏa thuận trước khi mở phiên tòa sơ thẩm:
     Vụ án sau khi đã có QĐĐVARXX, Hội thẩm nhân dân (HTND), Kiểm sát viên (đối với những vụ án có VKS tham gia phiên tòa theo khoản 2 Điều 21 và các trường hợp từ Điều 85 đến 94 BLTTDS), các đương sự và những người tham gia tố tụng khác đã được ghi vào trong QĐĐVARXX nhưng chưa mở phiên tòa mà các đương sự thỏa thuận được toàn bộ nội dung vụ án. Đối với trường hợp này, có hai quan điểm khác nhau về phân định thẩm quyền.
     - Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại thời điểm này, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về toàn bộ các vấn đề phải giải quyết thì việc ban hành quyết định công nhận thỏa thuận thuộc thẩm quyền của Thẩm phán được phân công thụ lý. Bởi lẽ, mặc dù Tòa án đã ban hành QĐĐVARXX, nhưng do chưa mở phiên tòa mà các đương sự thỏa thuận được với nhau (trực tiếp đến Tòa án hoặc cung cấp biên bản tự thỏa thuận) thì Thẩm phán có thể vẫn tiếp tục tổ chức hòa giải lại theo trình tự, thủ tục được quy định tại các Điều 10, 180, 184, 185, 185a và 186 BLTTDS vì hiện nay, BLTTDS không có quy định giới hạn số lần và thời điểm hòa giải. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến khác thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo Điều 187 BLTTDS mà không cần thiết phải mở phiên tòa. Do đó, việc ra quyết định thuộc thẩm quyền của Thẩm phán.
     Trường hợp này, đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm theo quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định (khoản 11 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí số 10/QH12 ngày 27/02/2009 và khoản 2, 3 Điều 16 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012).
     - Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Thuộc thẩm quyền của HĐXX. Bởi lẽ, sau khi có QĐĐVARXX mà các đương sự mới tự thỏa thuận được với nhau về toàn bộ vụ thì Thẩm phán không tiếp tục tổ chức hòa giải lại nữa vì giai đoạn chuẩn bị xét xử đã kết thúc nên phải mở phiên tòa theo đúng QĐĐVARXX và tại phiên tòa, nếu các đương sự tiếp tục giữ nguyên các nội dung đã thỏa thuận thì HĐXX công nhận sự thỏa thuận đó bằng một quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 220 BLTTDS: "Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án".
     Trường hợp này, các đương sự phải chịu 100% án phí theo quy định (khoản 12 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí số 10/QH12 và khoản 4 Điều 16 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP).
* Trường hợp 2: Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa sơ thẩm:
     Nếu tại phiên tòa, đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và ra quyết định đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS.
     Tuy nhiên, nảy sinh những vướng mắc trong thực tiễn, đó là: Trong trường hợp nếu trước khi mở phiên tòa và sau khi đã có QĐĐVARXX mà đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án phải giải quyết như thế nào. Trường hợp này hiện cũng có hai quan điểm giải quyết như sau:
     - Quan điểm thứ nhất cho rằng: Sau khi xem xét việc đương sự rút yêu cầu, nếu xét việc rút yêu cầu là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự theo điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS mà không nhất thiết phải mở phiên tòa sơ thẩm. Hậu quả của việc xử lý tiền tạm ứng án phí khi đình chỉ giải quyết vụ án được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 193 BLTTDS.
     - Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ là do HĐXX nên vẫn phải mở phiên tòa để HĐXX xem xét quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS.
     Từ những quan điểm giải quyết nêu trên, người viết có ý kiến xin trao đổi như sau:
     Do ở giai đoạn sơ thẩm BLTTDS sửa đổi chưa có quy định cụ thể về việc phân định các thẩm quyền này và không giới hạn về số lần và thời điểm tổ chức hòa giải giữa các đương sự trong thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án dân sự nên thường sau khi có QĐĐVARXX, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc thỏa thuận được về toàn bộ nội dung vụ án với các đương sự khác thì Tòa án không nhất thiết phải mở phiên tòa để HĐXX xem xét quyết định mà Thẩm phán được phân công làm chủ tọa kịp thời thông báo cho HTND, VKS cùng cấp và các đương sự biết về việc không mở phiên tòa. Sau đó, Thẩm phán lập biên bản ghi nhận việc rút đơn hoặc thỏa thuận của các đương sự và ra các quyết định giải quyết vụ án theo quy định pháp luật (QĐĐC hoặc CNTT).
     Bởi lẽ, nếu tiếp tục mở phiên tòa sẽ vừa tốn kém về kinh phí của các cơ quan tố tụng và của công dân, vừa mất thời gian và các thao tác tố tụng khác nếu như phiên tòa rơi vào trường hợp: tạm ngừng việc xét xử (khoản 2 Điều 197 BLTTDS) hoặc hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 208 BLTTDS) mà thực tế nội dung vụ án cũng không thay đổi khi các đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu hoặc nội dung thỏa thuận...Trong khi đó, nếu để Thẩm phán vận dụng ra quyết định như nói trên thì vụ án vẫn được giải quyết đúng quy định pháp luật về nội dung và đúng nguyên tắc tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự.
     Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là: Nếu QĐĐVARXX đã được ban hành mà không mở phiên tòa thì có đúng với quy định của pháp luật hiện nay hay không? Vì, đã ban hành QĐĐVARXX thì vụ án sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐXX kể từ khi ban hành quyết định cho đến khi kết thúc phiên tòa. QĐĐVARXX chỉ bị tạm ngưng hoặc hết hiệu lực khi có quyết định hoãn phiên tòa hoặc có bản án, quyết định của HĐXX (quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thỏa thuận). QĐĐVARXX là một trong những quyết định tố tụng pháp lý do người tiến hành tố tụng có thẩm quyền ban hành đã được quy định rõ trong BLTTDS. Mặt khác, trước khi Thẩm phán ban hành QĐĐVARXX thì Chánh án Tòa án nơi thụ lý vụ án đã có quyết định phân công HTND tham gia HĐXX. Như vậy, nếu không mở phiên tòa theo quyết định đã được ban hành thì hiệu lực quyết định phân công HTND của Chánh án và QĐĐVARXX của Thẩm phán được xử lý như thế nào. BLTTDS sửa đổi cũng không có quy định về việc sau khi đã ban hành QĐĐVARXX thì Tòa án có quyền được ra quyết định khác để làm mất tính pháp lý của quyết định xét xử. Như vậy, trong mọi trường hợp thì QĐĐVARXX vẫn tồn tại và có giá trị pháp lý.
     Trên đây là một số quan điểm của cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án dân sự hiện nay liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Thẩm phán và của HĐXX trong những trường hợp như đã nêu trên. Vì vậy, người viết đưa ra các luận điểm nhìn nhận dưới các góc độ lý luận khác nhau và mong nhận được ý kiến trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp nhằm có cơ sở đề xuất, kiến nghị liên ngành VKSNDTC và TANDTC có văn bản hướng dẫn tạo sự thống nhất chung trong quá trình thực hiện./.

Tác giả bài viết: Đinh Văn Phúc - VKSND H.Bố Trạch

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

ĐĂNG NHẬP NỘI BỘ

LIÊN KẾT WEBSITE

kiểm sát online
Văn bản pháp luật
vksndtc
Bộ pháp điển
Công báo điện tử quảng bình
Tuyển dụng công chức
Thư viện pháp luật
Bảo vệ pháp luật

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 32


Hôm nayHôm nay : 2103

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 74827

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8397385

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn, việc xây dựng cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại kết quả thế nào ?

Rất tốt

Bình thường

Tạm được

Không ý kiến